Những thiết kế đoạt giải của anh bao gồm các sản phẩm xa xỉ cho Christofle, Veuve Clicquot, và Alessi; sản phẩm nội địa cho Umbra, Bobble, và 3M; đồ nội thất cho Bonaldo và Vondom, trang thiết bị ánh sáng cho Artemide và Fontana Arte; đồ công nghệ cao cho Asus và Samsung; thiết kế bề mặt cho Marburg và Abet Laminati; nhận diện thương hiệu cho Citibank và Sony Ericsson và bao bìa cho Method, Paris Baguette, Kenzo và Hugo Boss
Không dừng lại ở đó, Karim còn lấn sang mảng thiết kế nội thất. Một số tác phẩm của ông bao gồm Nhà hàng Morimoto tại Philadelphia, khách sạn Semiramis tại Athens, khách sạn nhow tại Berlin, trạm Metro Universita tịa Naples và cả những buổi triển lãm thiết kế cho ngân hàng Deutsche Bank và Audi. Các tác phẩm của Karim được trưng bày trong 20 bộ sưu tập thường xuyên và trong các gallery khác khắp thế giới.
“Đã quá lâu thiết kế chỉ dành cho những nhóm bậc cao và cho những nền văn hóa nhất định. Tôi đã làm việc suốt 20 năm qua để đưa thiết kế quay trở lại với đại đa số công chúng.”
Anh đã làm rất nhiều công việc: Kiến trúc sư, DJ, stylist.Liệu anh có còn tự coi bản thân là một nhà thiết kế?
Tôi sẽ luôn luôn là một nhà thiết kế! Chưa bao giờ là một stylist. Thiết kế là luôn sống trong hiện tại – phong cách thì lại là sống trong quá khứ. Thiết kế định hình tương lai, còn phong cách thì luôn nhắc nhở ta về lịch sử. Tôi không hứng thú với quá khứ và cũng không quan tâm đến hứng thú của người khác đối với quá khứ. Thiết kế là một quá trình, thứ đưa chúng ta phát triển, là thách thức và nâng tầm linh hồn con người. Chúng ta nên tỉnh táo và hòa mình với mọi chuyển động của thế giới trong thời điểm hiện tại.
Điều gì đã truyền cảm hứng để anh làm việc trong nhiều lĩnh vực khác nhau?
Bố tôi từng là một họa sĩ và là nhà thiết kế phim trường cho các series truyền hình và phim ảnh. Ông ấy còn thiết kế nội thất và váy áo cho mẹ tôi. Ông là một kiểu người Phục Hưng, và mỗi khi uống cafe ông đều cặm cụi nghiên cứu những quyển sách ông mượn từ thư viện – về những nhà thiết kế thời trang như Yves Saint Laurent và Pierre Cardin; nhà thiết kế công nghiệp như Raymond Loewy và Philippe Starck; các kiến trúc sư như Oscar Niemeyer, Le Corbusier và Micheal Grave; các họa sĩ như Picasso và Warhol. Tất cả những lĩnh vực trên dần dần bước ra khỏi ranh giới của chúng: họa sĩ, nhà thiết kế nội thất, thiết kế đồ vật. Qua việc quan sát bố tôi và được tiếp cận với các loại hình nghệ thuật trong sách từ bé, tôi đã luôn cho rằng không có bất kì giới hạn nào trong việc thiết kế một lọ nướcnội thất hay thậm chí là cả một tòa nhà. Tôi đã lớn lên với suy nghĩ đó luôn lảng vảng trong đầu tôi.
Anh sẽ tự miêu tả phong cách bản thân như thế nào?
Có lẽ tôi sẽ tự gọi phong cách của mình là ‘tối giản nhưng đồng cảm’ bởi vì chúng không được thêu hoa gấm lụa với những chi tiết trang trí hoành tráng mà nó mang tính người, một sự kết nối gần gũi đối với tất cả chúng ta. Mọi đồ vật và không gian đều truyền đạt một ngôn ngữ riêng. Chúng giao tiếp với chúng ta. Tôi tin rằng có một điều quan trọng mà chúng ta nên biết, rằng đừng nên cố gắng lấp đầy những vật trang trí chỉ để theo một chủ đề nào đó. Tôi tin rằng đồ vật và không gian phải chạm được vào xúc cảm của chúng ta, chúng phải tạo ra một trải nghiệm khác biệt, và hơn hết là phải có tính người.
Các tác phẩm của anh luôn luôn rực rỡ và đa dạng màu sắc. Điều gì đã truyền cảm hứng cho sự lựa chọn này?
Màu sắc là một khái niệm thực tế, mạnh mẽ và bạn dễ dàng cảm nhận được sự hiện diện của nó một cách vật lí. Nó không trừu tượng hay không nhìn thấy được. Tôi nghĩ rằng nó là một trong những điều tuyệt vời nhất mà ta cảm nhận được khi tồn tại trên thế giới này. Sắc màu là cả cuộc sống, và đối với tôi, những gam màu là một cách hiệu quả để tác động và chạm tới những xúc cảm trong tâm trí và tâm hồn của mỗi người.
Tôi luôn ghét suy nghĩ rằng những màu sắc rực rỡ chỉ dành cho con nít và khi lớn lên, chúng ta chỉ nên sử dụng những gam màu tối hơn, như xám banal hay nâu. Màu sắc nên có sự đa dạng và trải đều xuyên suốt năm, trẻ con cũng nên được tiếp cấn với nhiều tông màu phức tạp hơn, không chỉ đơn thuần là các màu chủ đạo.
Bằng cách nào và tại sao anh tham gia vào nền công nghiệp thiết kế nội thất?
Với mọi project, tôi luôn muốn thể hiện cho mọi người thấy rằng thế giới vật lý đương đại ngày nay có thể trở nên ấm áp, dịu dàng, có tính người và thỏa mãn. Trở thành một nhà thiết kế là một công việc tuyệt với – tôi có thể thiết kế những thứ mà người khác sẽ tương tác hằng ngày và có mối quan hệ mật thiết với nó. Đó là một thử thách vô cùng lớn đối với ngành thiết kế – để tạo ra một thứ gì đó, vừa phù hợp và dễ tiếp cận với đại đa số khách hàng, vừa tác động đến đời sống của họ, nâng tầm trải nghiệm và phải là thiết kế nguyên bản.
Anh yêu thích điều gì nhất khi làm một nhà thiết kế nội thất? Cái gì khó để thiết kế hơn?
Tôi thích việc nội thất có thể ảnh hưởng lập tức đến đời sống người khác. Với đồ nội thất tôi biết rằng sẽ có rất nhiều người bên trong các thiết kế của tôi, và họ không chỉ đơn thuần là nhìn ngắm nó, họ đang hoàn toàn đắm chìm cả cơ thể và mọi giác quan của họ vào không gian nội thất xung quanh.
Anh lấy cảm hứng từ đâu?
Tất cả mọi thứ đều truyền cảm hứng cho tôi. Những điều tốt, xấu hay thậm chí là xấu xí. Niềm cảm hứng có thể đến từ bất kì đâu trong thế giới rộng lớn mà chúng ta đang sinh sống. Tôi nhận thấy rằng niềm cảm hứng có thể tích trữ được ( đến nay đã được hơn 35 năm), xung quanh ta luôn có vô vàn ý tưởng và những ảnh hưởng đang diễn ra. Khi tôi vẽ một thứ gì đó, tôi chỉ đơn thuần là vẽ lại một điều mà tôi đã từng thấy và hình dung ra trong đầu trước đây, để bây giờ tôi thổi hồn vào chúng trên mặt giấy. Niềm cảm hứng đến từ sự tích trữ kinh nghiệm của tôi. Cả trực giác của tôi cũng hoạt động tương tự như vậy.
Những loại màu sắc, họa tiết và kĩ thuật mà anh yêu thích trong thiết kế đồ nội thất?
Mọi hình thái, đường thẳng, màu sắc, họa tiết, chức năng nhất định, đều có khả năng chạm đến và giao tiếp với các giác quan và những trải nghiệm hằng ngày của chúng ta. Tôi yêu màu hồng và những gam màu techno – những tông màu sống động thường thấy trong thế giới kĩ thuật số ngày nay. Có hàng triệu sắc màu cho nên thật buồn cười khi cho rằng bạn phải có một thứ gì đó mà bạn yêu thích nhất – kể cả khi đó là một bài hát hay một quyển sách. Vẻ đẹp của cuộc sống này nằm ở sự đa dạng trong lựa chọn và tất cả mọi thứ. Tôi yêu màu sắc và tôi không bao giờ sợ hãi khi thử nghiệm với chúng – Tôi dùng chúng như cách một người họa sĩ khơi gợi những xúc cảm trong tâm hồn ta, qua những vật thể, không gian. Tôi dùng chúng để truyền cảm hứng, năng lượng, để đặt câu hỏi, thách thức và chạm đến hay làm tan biến những kí ức của công chúng.
Phần nào trong một căn nhà anh yêu thích nhất?
Đối với tôi, phòng ngủ có tác dụng như một thánh địa riêng tư và cũng là một phòng khách. Tôi thường làm việc tại đó, trả lời email khi nằm trên giường, uống cà phê và coi TV với vợ tôi sau một ngày dài làm việc. Thiết kế nội thất trong nhà tôi cũng góp phần gia cố niềm tin vào sự cần thiết của một không gian được thiết kế kĩ lưỡng cho cuộc sống hằng ngày của bạn. Không gian riêng của chúng ta phải truyền cho ta một cảm giác tự do, rộng rãi, nơi bạn có thể thoải mái giao tiếp và đồng thời có những khoảnh khắc riêng tư cho mình. Một căn nhà cần phải tạo ra một lối sống mà vừa hiện đại vừa truyền thống, với tối thiểu ảnh hưởng lên môi trường xung quanh, và đó chính xác là những miêu tả về căn nhà của tôi. Nhưng cách chúng ta tương tác với căn nhà của mình có thể rất cá nhân, mỗi người mỗi khác.
Làm sao để anh quyết định một dự án phù hợp với mình?
Tôi không quyết định. Khách hàng sẽ quyết định chọn tôi. Một điều mà tôi đã học trong suốt 20 năm qua là nếu là một nhà thiết kế, chúng ta thấy tiềm năng trong mọi thứ, trong bất kì dự án nào, bằng bất kì cách nào ta có thể, nhưng đồng thời điều này cũng không phải dễ dàng, nhưng ta luôn phải giữ sự lạc quan cho đến giây phút cuối cùng. Điều quan trọng nhất ở đây là một mối quan hệ tốt. Ngay từ giây phút tôi bắt chuyện một ai đó tôi sẽ biết được rằng chúng ta có thể cùng nhau làm nên những dự án tuyệt với hay không, và thiết kế là một công việc đòi hỏi sự hợp tác chặt chẽ với đối tác của bạn. Nó không nên là một cuộc chiến, hay bạn phải chật vật để thuyết phục khách hàng đồng ý với ý tưởng của mình. Bạn phải gặp gỡ đối tác trực tiếp, hoặc bạn có thể quên nó đi – vì lúc đó bạn chỉ đang lãng phí thời gian thôi.
Triết lý của anh, trong thiết kế và trong đời sống là gì?
Thiết kế là một quá trình, là thứ dưa chúng ta phát triển, là thách thức và nâng tầm tâm hồn con người. Tôi luôn giảng giải về cách thiết kế định hình tương lai và làm tốt đẹp xã hội hơn. Thiết kế công nghiệp là một ngành đòi hỏi sự tương tác xã hội và tính trách nhiệm đối với quá trình lớn lao, không chỉ về mặt vật lí; kết quả của nó sẽ thể hiện qua vẻ đẹp. Thiết kế là sự tiến hóa về mặt văn hóa và cảnh quan vật lý. Vai trò của một nhà thiết kế ngày nay là biến thế giới thành một nơi tốt đẹp hơn bằng cách nâng tầm trải nghiệm đời sống hằng ngày, cả về mặt chức năng và cảm xúc. Bằng cách thay thể những vật dụng cũ kĩ hay những thiết kế lỗi thời với các sản phẩm hiệu quả hơn, đồng thời nếu có thể là bền vững, cân bằng, hoàn thiện, có tính người và đồng thời cũng quyến rũ hơn, chúng ta có thể giảm bớt căng thẳng với môi trường xung quanh, và trong đời sống hằng ngày.
“Những thiết kế nên thơ ngày nay được dựa trên vô vàn những tiêu chí đánh giá phức tạp: trải nghiệm con người, hành vi xã hội, các vấn đề trên thế giới, kinh tế và chính trị, sự tương tác về mặt vật lí và tâm hồn, hình dáng, tầm nhìn, sự hiểu biết chuyên sâu và một khát vọng với nền văn hóa đương đại. Sản xuất thì lại được dựa vào một nhóm tiêu chí khác nữa: đầu tư vốn, thị phần, quá trình sản xuất, sự phổ biến, phát triển, phân phối, bảo dưỡng, dịch vụ, hiệu suất, chất lượng, các vấn đề về mặt sinh thái và tính bền vững. Sự kết hợp giữa các nhân tố trên định hình mọi vật thể, mọi hình thù, không gian vật lí ta sống, tầm nhìn văn hóa và trải nghiệm con người thời hiện đại.Những công trình kiến trúc này sẽ định hình kinh doanh, nhận dạng thương hiệu và giá trị của nó. Đây là ngành kinh doanh vẻ đẹp. Thật ra, mọi ngành kinh doanh phải luôn có mối liên hệ mật thiết với cái đẹp – sau tất cả thì nó là nhu cầu của mỗi con người.
Tôi tin rằng chúng ta đang sống ở một thế giới hoàn toàn khác – một thế giới ngập tràn những vật thể, không gian, địa điểm, xã hội, tâm hồn và kinh nghiệm mà truyền cảm hứng cho vẻ đẹp đương đại. Chúng ta đã thiết kế nên những hệ thống, thành phố và hàng hóa. Chúng ta đã xác định được vấn đề của thế giới hiện tại nằm ở đâu. Ngày nay thiết kế không còn chỉ để giải quyết vân đề nữa, mà là mang đến vẻ đẹp cho tất cả mọi thứ mà chúng ta đã xây dựng. Thiết kế giúp đời sống ta tốt đẹp hơn một cách thơ văn, có thẩm mỹ, tính thử nghiệm, theo cảm tính và có cảm xúc. Khát vọng thật sự của tôi là được thấy con người sống trong một thế giới tốt đẹp nhất mà thời đại này có thể mang lại, nơi họ có thể tham gia vào dòng chảy đương đại, và giải thoát chính mình khỏi những hoài niệm quá khứ, những truyền thống xưa cũ, nghi lễ lỗi thời và những thứ vô nghĩa khác. Chúng ta nên tỉnh táo và hài hòa với những chuyển động của thế giới trong thời điểm hiện tại. Nếu như bản năng con người là sống ở quá khứ – thì thay đổi thế giới cũng chính là bản năng con người.” – Karim Rashid
Bài tổng hợp: Phúc Hồ. Bản quyền thuộc về Vietnamcolor.vn, vui lòng ghi rõ nguồn khi muốn sao chép.
——————————————————————————-
Pro Creative Course I Khóa học SÁNG TẠO, 6 buổi/tháng (cho mỗi môn học): Writing, Storytelling, Art, Design, Creativity. Học viết, thiết kế, tìm hiểu nghệ thuật, phương pháp tư duy, xây dựng giá trị cốt lõi của sáng tạo. Hotline: 0934068088 Email: Creative.proclass@gmail.com . Office: Công ty TNHH MTV Việt Thị . Address: 30, đường C18, phường 12, quận Tân Bình – HCM.