Về nhà sáng tạo chất liệu Maija Isola
Bất cứ khi nào Jackie Kennedy xuất hiện cùng với John F. Kennedy trong chiến dịch tranh cử tổng thống của ông vào năm 1960, cả thế giới chỉ có thể sững sờ và ngắm nhìn. Khi cô xuất hiện trên trang bìa của Sports Illustrated và mặc một chiếc váy của nhà thiết kế Phần Lan, Marimekko, thương hiệu đã trở thành một nhân tố quan trọng trong thời trang thập niên 60 (Hình 1 / Marimekko). Nhà thiết kế đằng sau màu sắc và họa tiết tươi sáng của chiếc váy là Maija Isola (Hình 2), người đã nổi tiếng vì dám từ bỏ các thiết kế hoa bảo thủ để chuyển sang phong cách đồ họa táo bạo. Công việc của Isola nhằm thoát khỏi những chu kỳ truyền thống của thời trang, thay vào đó, hướng đến một tầm nhìn lâu dài hơn.
Vào năm 1960, Jackie Kennedy được chụp trên trang bìa của Sports Illustrated trong một chiếc váy Marimekko, và đã gây một tiếng vang lớn
Chủ yếu công việc của bà gắn liền với Marimekko, Maija Isola đã trở thành một cái tên quen thuộc khi Ben Thompson, người sáng lập Design Research, bắt gặp tác phẩm của bà tại Hội chợ Thế giới ở Brussels năm 1958. Chưa có một tác phẩm nào tương tự được bắt ngặp ở Mỹ, và nó đã trở thành một hiện tượng ngay lập tức.
Maija Isola, người đứng sau nhiều thiết kế chất liệu “vượt thời gian” cho Marimekko
Với những thiết kế lấy cảm hứng từ thiên nhiên độc đáo, tác phẩm của bà được trưng bày trong các bảo tàng nổi tiếng như: Bảo tàng Victoria và Albert, Bảo tàng Thiết kế Copenhagen và Viện Nghệ thuật Minneapolis.
Maija Isola (1927-2001). Oona, 1969. Nguồn: Pinterest
Sinh ra ở Riihimäki, Phần Lan, Isola là con út trong gia đình có 3 cô con gái. Cha bà, Mauno Isola, là một nông dân, người cũng được biết đến với bài hát mừng Giáng sinh nổi tiếng của Phần Lan.
Cuộc sống của bà thay đổi đáng kể khi Chiến tranh thế giới thứ hai kết thúc. Khi cha bà qua đời, bà bước vào cuộc hôn nhân đầu tiên và sinh con gái, Kristina, vào năm 1945. Sau khi sinh, bà đi Oslo vào năm 1948, thăm triển lãm của Van Gogh, xem một số bức tranh của Edvard Munch, và chúng đã truyền cảm hứng cho tác phẩm in nổi tiếng đầu tiên của bà, Amphora.
Tác phẩm Amphora, được thiết kế bởi Maija Isola vào năm 1949
Sau đó bà học tại Trường Nghệ thuật Công nghiệp Trung ương ở Helsinki. Tốt nghiệp năm 1949, bà đi làm cho công ty dệt may mới thành lập có tên Printex. Thông qua quan hệ đối tác Printex với Marimekko, bà hợp tác chặt chẽ với thương hiệu và cuối cùng trở thành nhà thiết kế chính của Marimekko.
Isola là một người có tinh thần tự do và đi du lịch nhiều nơi trên thế giới, tiếp thu những ảnh hưởng văn hóa làm phong phú thêm công việc của mình. Giống như nhiều nhà thiết kế Scandinavia, bà có duyên với thiên nhiên và nghệ thuật dân gian. Bà sử dụng quy trình chụp ảnh, sử dụng cây thật để tạo ra các mẫu vẽ họa tiết in của mình.
Từ năm 1957-1963, bà đã tạo ra loạt tác phẩm đầu tiên của mình về một chủ đề duy nhất, Nature. Nó bao gồm 30 thiết kế dựa trên thực vật do con gái bà, Kristina, ép. Một loạt tác phẩm khác, Ornament, dựa trên nghệ thuật Slav, cũng có 30 thiết kế thể hiện phong cách đồ họa mạnh mẽ; các đường viền rõ nét, tạo hình phẳng và lặp lại trên quy mô lớn. Bà phát triển một cảm quan táo bạo về màu sắc đồng thời hòa hợp với tinh thần năng động của nghệ thuật Pop art.
Maija Isola (1927-2001). Nature, 1957. Nguồn: Design Museet
Khi ở Marimekko, người sáng lập Armi Ratia và Isola đã có một mối quan hệ thú vị. Một số người mô tả nó là “sức mạnh sáng tạo bất thường với sức sống và tính sáng tạo hơn là sự hiểu biết hài hòa”.
Vào năm 1965, Isola đã tạo ra hoạ tiết Unikko, hay còn được gọi là Poppy (hoa anh túc). Thiết kế bất đối xứng, màu sắc xung đột và sử dụng đồ họa tương phản đã giúp Unikko thành công ngay lập tức. Nó thể hiện sự tự tin trong thiết kế của những năm 60 và vẫn là một trong những hoạ tiết in phổ biến nhất cho thị trường gia dụng ngày nay.
Maija Isola (1927-2001). Poppy (Unikko), 1965. Cotton; 202,3 x 137,2 cm. New York: Cooper Hewitt, 1979-89-7. Quà tặng của Marimekko, Inc. Nguồn: Cooper Hewitt
Từ năm 1965-1967, bà bắt đầu làm việc với chủ đề mặt trời và biển cả. Tạo các thiết kế như Albatross, Jellyfish và Oyster. Sự nổi lên của bà vào đầu những năm 60 đã khiến những thiết kế này trở nên cực kỳ phổ biến. Năm 1965, bà thiết kế Well, và hiện vẫn đang được sản xuất bởi nhà Marimekko cho đến ngày nay.
Nhà thiết kế Maija Isola (1927-2001). Chim hải âu (Albatrossi), 1967. Cotton, dệt trơn; 366,1 x 139,5 cm. Chicago: Viện Nghệ thuật Chicago, 1980.138. Quà tặng của Marimekko, Inc. Nguồn: Viện nghệ thuật Chicago
Maija Isola (1927-2001). Well (Kaivo), 1965. Cotton, dệt trơn; chiều rộng: 133,4 cm. Món quà của Mark C. K. Lu để tưởng nhớ cha anh Paul C. K. Lu. Nguồn: Bảo tàng RISD
Sau đó, vào năm 1970, mối tình với học giả Ai Cập Ahmed Al-Haggagi đã dẫn đến một sự thay đổi phong cách. Al-Haggagi khuyến khích cô làm việc theo các khuôn mẫu Ả Rập. Vì ảnh hưởng này, cô ấy đã tạo ra tác phẩm mới tuyệt vời. Nó bao gồm các hoạ tiết nổi tiếng như Mask, Storytellers và Dark.
Về cuối sự nghiệp của mình, giữa những năm 1980-1987, bà đã làm việc trực tiếp với con gái của mình, Kristina, người vào thời điểm đó đã trở thành nhà thiết kế chính tại Marimekko. Kristina đã mở ra cánh cửa cho những cách phối màu độc đáo dựa trên hoạ tiết của mẹ cô và nhiều thiết kế vẫn còn được sản xuất cho đến ngày nay.
Ngày nay, tại Marimekko, ấn phẩm tổng hợp những thiết kế của Isola vẫn là yếu tố quan trọng trong quá trình phát triển của thương hiệu. Sách bài tập viết tay của bà có chi tiết chính xác về các hoạ tiết và được sử dụng làm tài liệu hướng dẫn sản xuất các sản phẩm của Marimekko
Maija Isola (1927-2001). Một trang từ “Pattern Books” của Maija Isola, cho thấy việc xây dựng mẫu họa tiết Lovelovelove, năm 1968. Nguồn: Wikipedia
Trong hơn 40 năm sự nghiệp của mình, Isola đã sáng tạo ra 533 hoạ tiết (Viện Nghệ thuật Minneapolis). Các bản in của bà đã được hồi sinh gần đây với sự quan tâm mới mẻ của công chúng trong thiết kế trang trí. Về sau này, bà đã chuyển từ ngành dệt may và thiết kế để tập trung vào hội họa – một kết thúc phù hợp cho một sự nghiệp lừng lẫy.
Marimekko: Unikko
Unikko (có nghĩa là cây anh túc) là hình in mang tính biểu tượng đã được sử dụng trên một loạt các mặt hàng, từ hoạ tiết in trên vải, đồ gia dụng đến mặt hàng thời trang và dụng cụ văn phòng phẩm. Nó thậm chí đã xuất hiện trên mặt của máy bay Finnair và xe buýt quốc tế. Khi mới được đưa vào sản xuất, Unikko là một loại vải chỉ dành cho nội thất trên các sản phẩm như khăn trải bàn, rèm cửa sổ và dù che nắng. Tuy nhiên, độ phổ biến của nó đã lan rộng đến mức, họa tiết này hiện được sử dụng trên mọi sản phẩm. Những cánh hoa của Unikko cong, đầy đặn và đẹp một cách kiêu hãnh. Vậy câu chuyện đằng sau thiết kế này là gì?
Hoạ tiết Unikko (Poppy) tô điểm không gian trong thiết kế nội thất
Hoạ tiết Unikko (Poppy) của thương hiệu Marimekko trên những chuyến xe
Thương hiệu Marimekko: Tinh thần của Unikko (Poppy)
Tầm nhìn sáng tạo đằng sau Unikko thuộc về Maija Isola, Giám đốc Thiết kế Dệt may tại Marimekko. Người sáng lập Marimekko, Armi Ratia, luôn yêu thích những màu sắc mạnh mẽ, nhưng đã công khai bày tỏ vào đầu những năm 1950 rằng công ty của bà sẽ không bao giờ in họa tiết hoa. Bà tin rằng hoa tự nhiên đẹp hơn nhiều so với bất cứ một sự tái tạo nào. Thay vào đó, nên tạo ra những thiết kế sáng tạo cho cuộc sống hiện đại, thay vì thiết kế thêm họa tiết hoa, trong một ngành công nghiệp dệt may vốn đã thống trị về hoạ tiết này.
Tuy nhiên, với tinh thần bất chấp, Maija Isola đã cho ra đời một loạt các bản in hoa, một trong số đó là Unikko (Poppy) – hoa anh túc màu đỏ tươi. Những thiết kế khác trong series này bao gồm Maalaisruusu (Hoa hồng đồng quê), Vihkiruusu (Hoa hồng cưới) và Ruhtunatar (Công chúa). Harry Kivilinna, Giám tuyển tại Bảo tàng Thiết kế ở Helsinki, giải thích, “Isola đã làm điều này như một cách khiêu khích, vì Ratia đã thông báo rằng các họa tiết hoa bị cấm, nhưng những họa tiết mà Ratia nói là kiểu hoa lãng mạn, nhỏ nhắn, điển hình của những năm 1940 và 1950.”
Hoạ tiết Unikko và những ứng dụng về màu sắc khác nhau qua từng thời kỳ
Giờ đây, Unikko có thể tự hào với hơn 80 màu khác nhau, mỗi màu đều rất đặc trưng với thời điểm nó ra đời. Những năm 1960, chúng ta có những tông màu sáng mạnh mẽ, rất khác với những tông màu đất nhẹ nhàng hơn của những năm 1970. Kết hợp màu phấn đã được giới thiệu vào những năm 2000. Sự phát triển trong cách phối màu của Unikko cho thấy Marimekko đi cùng thời đại, đây là yếu tố có khả năng đóng góp vào thành công to lớn của thương hiệu, vì nó vẫn tiếp tục mang vẻ hiện đại như cách đây 50 năm. Harry Kivilinna nói, “Mẫu Unikko đã trở thành hoạ tiết đặc trưng của thương hiệu Marimekko, giống như hoạ tiết LV dành cho Louis Vuitton. Vì vậy, tương lai của thương hiệu rất tươi sáng. Nó sẽ không biến mất sớm”.
Marimekko: Tầm nhìn hướng về tương lai
Điều gì về Marimekko và những bản in đơn giản nhưng sống động của nó đã và đang khiến nhu cầu thị trường luôn tăng cao? Các hoạ tiết luôn tràn ngập sự tích cực và tình yêu với môi trường xung quanh tự nhiên của chúng ta. Chúng tôi đã hỏi Harry Kivilinna về bản chất đằng sau sức hấp dẫn vượt thời gian của Marimekko, “Đơn giản, Marimekko không phải lúc nào cũng chạy theo xu hướng. Họ có những bảng màu độc đáo cho từng bộ sưu tập và đã tạo ra những công thức phối màu hấp dẫn ngay từ đầu”. Thiết kế Scandinavian phổ biến trên toàn thế giới bởi sự đơn giản tuyệt đẹp của nó, thậm chí hồi sinh trong thời điểm hiện nay. Và Marimekko tiếp tục đi đầu trong lĩnh vực này, với Unikko dẫn đầu về màu sắc phát triển, phong cách táo bạo và thiết kế vui nhộn.
Nguồn:
http://midcenturymagazine.com/interiors/marimekko-the-spirit-of-unikko/
Bài dịch: Nhi Nguyễn. Bản quyền thuộc về Vietnamcolor.vn, vui lòng ghi rõ nguồn khi muốn sao chép.
——————————————————————————-
Pro Creative Course I Khóa học SÁNG TẠO, 6 buổi/tháng (cho mỗi môn học): Writing, Storytelling, Art, Design, Creativity. Học viết, thiết kế, tìm hiểu nghệ thuật, phương pháp tư duy, xây dựng giá trị cốt lõi của sáng tạo. Hotline: 0934068088 Email: Creative.proclass@gmail.com . Office: Công ty TNHH MTV Việt Thị . Address: 30, đường C18, phường 12, quận Tân Bình – HCM.