*Hình Cover: Hồng Nhung mặc áo dài Buiross
Việt Nam tọa lạc giữa hai nền văn hóa đồ sộ của thế giới là Trung Hoa và Ấn Độ. Từ văn hóa, tín ngưỡng, nghệ thuật…, chúng ta ít nhiều cũng bị ảnh hường của hai nền văn hóa này.
Khi nói đến trang phục Việt Nam, đương nhiên chúng ta phải đề cập đến cái áo dài Việt. Và áo dài Việt Nam được biết đến dưới 2 dạng, bốn thân (vẫn được quen gọi theo tiếng Hán Việt là áo tứ thân) và năm thân, hay còn gọi là năm tà. Áo tứ thân không có khuy cài, và mở dọc ở giữa 2 vạt trước. Áo năm thân với vạt cài nút sang một bên, từ vài thập niên nay được cải tiến thành 2 thân, nhưng vẫn mang dạng 5 thân.
Áo tứ thân của phụ nữ thôn quê Bắc bộ xưa. Bên trái: thắt vạt (ảnh tư liệu). Bên phải: buông vạt (ảnh Manhhai)
Áo dài tứ thân truyền thống nâu sồng mộc mạc với yếm, váy của phụ nữ nông thôn Bắc bộ đã không còn được thông dụng từ mấy chục năm nay. Bây giờ nó chỉ còn được nhìn thấy ở dạng cải biên, mầu mè, qua nghệ thuật trình diễn.
Áo dài tứ thân là áo dạng ‘Trực lĩnh’ (mở dọc ở giữa thân trước) có tay ngắn, hẹp. Theo sách “Tam tài đồ hội” của triều Minh thì loại áo này được triều vua Tần Nhị thế (230 – 207 TrCN) bên Trung Hoa đặt thêm vào hệ thống triều phục, gọi là áo ‘Bối tử’.
Trái: Áo Trách tụ bối tử, trích tranh thời Tống (Bảo tàng Thượng Hải ) Giữa: Áo Khuyết khóa trách tụ thời Nguyên (Trung Quốc cổ đại nhân vật phục thức) Phải: Vạt áo ngắn của áo bối tử tay hẹp thời Minh (Bảo tàng Cố cung Bắc Kinh)
Theo quy tắc xưa, tay áo ngắn (chữ Hán là đoản tụ) là tay áo dài đến cổ tay. Tay áo dài (trường tụ) là tay áo khi rũ xuống dài bằng gấu áo, và thường là tay rộng.
Áo tứ thân hẹp tay gọi chung là áo ‘trách tụ’ (nghĩa là tay chẽn), như ‘Trách tụ Bối tử’, ‘Đối khâm trách tụ’ (đối vạt, hẹp tay)… Sang đời Nguyên (1271 – 1368) dạng áo tứ thân tay hẹp này trở thành trang phục rất phổ thông của nữ giới, được gọi là ‘Khuyết khóa trách tụ’ (hẹp tay, không buộc). Theo như các tranh vẽ còn sót lại thì cho đến lúc đó vạt áo vẫn còn dài đến gót chân. Trong tranh vẽ thời Minh (1368 – 1644) thì vạt áo đã ngắn như vạt áo dài tứ thân của Việt Nam.
Áo dài tứ thân thời cổ của Trung Hoa rất giống áo dài tứ thân ở Việt Nam, cả về hình dạng lẫn cách mặc, ví dụ như cùng mặc với váy. Nhưng phụ nữ thôn quê Việt Nam có vạt áo ngắn hơn để tiện việc lao động. Và khác với áo tứ thân không có cổ bên phương Bắc, áo dài tứ thân ở Việt Nam về sau có thêm cái cổ đứng (cổ xây) theo phong tục dấu tóc che cổ của người Việt.
Vì được tạo ra ở nước Tần, áo dài tứ thân không thể là sản vật của Việt Nam. Nhưng loại áo này có thể đã hiện hữu ở Việt Nam từ rất lâu, chắc phải đâu đó trong thiên niên kỷ Bắc thuộc, và không thể sau thời Đường (618 – 907). Vì trong các cuộc chiến tranh dành tự chủ ở nửa cuối thiên niên kỷ thứ nhất; và trong các cuộc kháng chiến chống quân xâm lược Tống, Nguyên, Minh sau đó, người Việt không thể dễ dàng tiếp nhận ảnh hưởng văn hóa của bên đối nghịch.
Áo dài tứ thân khoác vạt sang bên phải đầu thế kỷ 20 (ảnh tư liệu)
Dựa theo sách “An Nam chí lược” viết năm 1335 của tác giả Lê Tắc, thì khi vua Nam Tống lại muốn xua quân sang đánh Việt Nam để trả hận cho cuộc Bắc phạt của Lý Thường Kiệt, thi hào Tô Đông Pha đã buông lời can ngăn. Trong đó ông nhắc đến việc nếu không có lần ra quân của Mã Viện, thì dân chín quận (tức người Việt) vẫn khoác vạt áo về bên trái (tả nhậm). Nghĩa là cho đến thời Hai bà Trưng dân mình vẫn khoác vạt áo sang bên trái. Đến sau lần xâm lược của Mã Viện thời Đông Hán năm 43 thì người Việt mới bị ép khoác vạt áo sang phải (hữu nhậm) theo phong tục của Trung Hoa. Và vì Tô Đông Pha nói việc khoác vạt áo sang trái đó là của dân chín quận, cho nên loại áo khoác vạt được nhắc đến phải là loại áo phổ thông của cả đại chúng.
Ngày xưa trước thời Đường khuy cài áo chưa được phát minh, người ta khép một vạt áo sang phủ lên vạt bên kia cho kín, rồi cố định bằng dây thắt lưng vải. Cho đến giữa thế kỷ 20 phụ nữ nông thôn Bắc bộ Việt Nam vẫn còn giữ được cái dạng áo tứ thân không có khuy cài nguyên sơ đó. Và họ vẫn thường khoác vạt áo bên phải phủ lên vạt bên trái, rồi quấn dây lưng vải quanh bụng để giữ hai vạt lại với nhau.
Chuyện khoác vạt áo sang phải hay trái rất quan trọng trong quan niệm cổ của người Trung Hoa. Sách “Tư trị thông giám” của Tư Mã Quang có kể chuyện thời Chiến Quốc (476 – 221 TrCN), vua Vũ Linh Vương nước Triệu bắt chước loại binh phục áo mặc với quần của người Hồ ở Tây Vực để kỵ binh nước Triệu mặc cho tiện trong việc cưỡi ngựa bắn cung. Áo của người Hồ khoác vạt về bên trái. Vua Triệu phải “văn minh hóa” loại áo này bằng cách đổi cho khoác vạt áo sang bên phải. Người Trung Nguyên vẫn gọi người Hồ là “loài tả nhậm”, nghĩa là “loài vạt áo trái”.
Trái: Áo phi phong bối tử, tranh vẽ thời Thanh (Bảo tàng Boston Fine Arts) Phải: Hình vẽ áo phi phong bối tử trong sách “Tam tài đồ hội”. Phần dịch chú thích của sách: ‘Tức là (áo) phi phong ngày nay. Theo Thực lục, vua Tần Nhị Thế ban chiếu quy định rằng ngoài triều phục nay thêm áo Bối tử. Quy chế như sau: Tay áo ngắn hơn tay của sam (tức áo đơn/áo lót). Thân áo dài bằng sam nhưng rộng hơn. Đến đời Tống thì tay áo dài bằng váy và rộng hơn của sam’.
Đây cũng là lần đầu tiên người Trung Nguyên biết đến việc mặc quần, mà chữ Hán xưa viết là ‘Khố’ (trong khi đó Quần chữ Hán có nghĩa là váy). Việc mặc quần tuy thế vẫn bị người Trung Hoa thời cổ xem là thiếu văn minh, chỉ dành cho quân lính và giới nô tỳ. Câu ngạn ngữ “Hồ phục kỵ xạ”, nghĩa là “y phục người Hồ cưỡi ngựa bắn cung” (hàm ý việc mặc quần) ám chỉ điều đáng khinh bỉ. Dân Hán tộc luôn mặc váy với các loại lễ phục. Và điều này chỉ thay đổi khi người Mãn Châu chiếm được Trung Hoa.
Áo bối tử tứ thân được nới tay rộng và dài ra dưới thời Tống (1127 – 1279), thành áo ‘Trường tụ bối tử’. Rồi được cải biên thêm ở thời Minh (1368 – 1644) với cổ áo hình chữ nhật có cạnh dưới cắt thẳng ngang, và được gọi là áo ‘Phi phong’. Dưới thời Thanh người Hán vẫn mặc áo Phi phong nhưng người Mãn Châu không mặc áo này. Trong khi đó áo Phi phong được triều đình Việt Nam các thời Lê, Nguyễn sử dụng. Và người Việt gọi nôm na áo này là áo ‘Nhật bình’ hay áo ‘Mệnh phụ’. Hiện nay ở Việt Nam áo Mệnh phụ chỉ còn được dùng làm áo cưới của cô dâu. Và các tăng, ni Phật giáo ở nước ta cũng mặc áo Nhật bình. Nhưng áo Mệnh phụ tứ thân bây giờ mặc với quần theo phong cách của triều Nguyễn, chứ không mặc với váy như áo dài tứ thân tay hẹp dân dã ngày xưa.
Ảnh 5: Trái: Nón thượng (các loại nón quai thao, nón thúng, nón chân tượng…). Phải: Nón chóp (các loại nón lá, nón bài thơ, nón lính…). Ảnh tư liệu
Áo dài năm thân thuộc loại thụ lĩnh (cổ tròn dựng đứng). Về áo dài năm thân thì có những chi tiết lịch sử cần được chú ý. Trước hết, theo sử gia Phan Khoang cho biết trong sách “Việt sử: Xứ Đàng Trong 1558 – 1777”, thì tương truyền Đào Duy Từ (1572 – 1634) trong lúc lập kế chống lại họ Trịnh ngoài Bắc đã khuyên chúa Hy Tông Nguyễn Phúc Nguyên đổi cách ăn mặc của dân chúng xứ Đàng Trong cho khác biệt hẳn với xứ Đàng Ngoài. Như bỏ nón thượng đội nón chóp, bỏ áo tứ thân phơi yếm mà mặc áo năm thân cài khuy, cũng như bỏ váy để mặc quần.
Chi tiết lịch sử thứ hai có thể liên quan đến cái áo dài năm thân là từ quyển sách “Phủ biên tạp lục” của Lê Quý Đôn viết khi ông làm hiệp trấn Thuận Hóa, sau khi Việp Quận công Hoàng Ngũ Phúc của triều đình Đàng Ngoài chiếm được Thuận Hóa từ chúa Nguyễn năm 1776. Những gì Lê Quý Đôn viết trong Phủ biên tạp lục đã khiến nhiều người kết luận rằng chính chúa Thế Tông Nguyễn Phúc Khoát của xứ Đàng Trong khi xưng vương năm Giáp Tý (1744) đã thay đổi cách ăn mặc của người dân Nam Hà, và tạo ra cái áo dài năm thân.
Trái: ‘Trách tụ sam’ trong sách Tam tài đồ hội. Phải: Một cô Xẩm mặc áo trách tụ đoản sam ở Nha Trang (ảnh Gabrielle Vassal 1905)
Nguyên ủy là trong sách “Phủ biên tạp lục” của Lê Quý Đôn có đoạn: “Năm Cảnh Hưng thứ 5, Giáp Tý, Nguyễn Phúc Khoát nghe người Nghệ An truyền câu sấm: “Tám đời trở về Trung Nguyên”, thấy từ Đoan Quốc công đến nay vừa đúng 8 đời, bèn xưng vương hiệu, lấy thể chế áo mũ trong “Tam tài đồ hội” làm kiểu mới, áo đều dùng vóc đoạn, người sang thì dùng mãng bào thủy ba, mũ thì trang sức bằng vàng bạc. Lại hạ lệnh cho trai gái hai xứ (Thuận, Quảng) đổi sang dùng áo quần Bắc quốc để tỏ sự biến đổi; đến như khiến phụ nữ đều mặc áo ngắn hẹp tay như áo đàn ông thì Bắc quốc không có như thế. Trải hơn 30 năm, người ta đều tập quen, quên cả tục cũ”.
Đây là tất cả những gì Lê Quý Đôn viết về việc thay đổi trang phục xứ Đàng Trong của chúa Nguyễn Phúc Khoát năm 1744. Và người ta suy từ đoạn viết này ra rằng chúa Nguyễn Phúc Khoát đã tạo ra cái áo dài 5 thân ngày nay.
Sách “Tam tài đồ hội’ của đời Minh, Trung Quốc, có 3 tập viết về các lễ phục của triều Minh. Các lễ phục của các triều Lê – Nguyễn Việt Nam về sau vẫn theo thể chế lấy ra từ sách này chứ không theo thể chế của nhà Mãn Thanh. Về áo tay hẹp (trách tụ) thì trong sách liệt kê một cái áo dài tay hẹp của phái nam có cổ tròn (bàn lĩnh, không có cổ đứng) được gọi là ‘trách tụ sam’. Tay áo trách tụ sam hẹp hơn tay áo thụng, nhưng rộng hơn tay áo dài Việt Nam, và nách áo rộng gần như nách áo thụng. Phần trang phục của sách Tam tài đồ hội không có chỗ nào nhắc đến áo ngắn.
hục thời Lê: Bên trái là áo ‘trường tụ bối tử’, bên phải là áo ‘phi phong bối tử’ (Bảo tàng Mỹ thuật Hà Nội). Cả 2 mặc áo lót trực lĩnh đoản sam tay hẹp.
Còn như cái áo ngắn có tay hẹp được Lê Quý Đôn nhắc đến trong đoạn văn này thì nguyên văn chữ Hán trong sách “Phủ biên tạp lục” viết rõ là ‘trách tụ đoản y’ (áo ngắn hẹp tay), cho nên không thể là áo dài (tức là trường y hay trường sam) được.
Hiện nay ở nước ta vẫn có các loại áo ngắn hẹp tay như áo cánh, áo bà ba… Bên cạnh đó cho đến giữa thập niên 1970, các gia đình người Việt giầu sang ở Sài Gòn ưa nuôi các phụ nữ người Hoa, gọi là Xẩm, để giúp việc nhà hay trông trẻ em. Những phụ nữ Xẩm này vẫn mặc quần với áo ngắn hẹp tay của phụ nữ Hán tộc đời Thanh, mà họ gọi theo tiếng Quảng Đông là ‘tủn xám’, tức là ‘đoản sam’. Loại y phục này rất phổ biến trong Chợ Lớn thời đó. Chắc đây mới là những dạng áo ngắn hẹp tay được nhắc đến trong dụ của chúa Nguyễn Phúc Khoát.
Trái: Mãn thức trường sam mặc trong áo khoác Mã quái, vẽ năm 1821 (Metropolitan Museum, New York) Phải: Áo Trường bào Hán phục (ảnh Wolfgang Wiggers)
Rồi sách “Phủ biên tạp lục” viết tiếp: “Năm Bính Thân (1776), mùa xuân, đặt nha môn Trấn phủ; tháng 7 mới hiểu dụ rằng: “Y phục bản quốc có chế độ, địa phương này từ trước cũng chỉ tuân theo quốc tục. Nay kính vâng thượng đức dẹp yên cõi biên, trong ngoài như nhau, chính trị và phong tục phải nên thống nhất. Nếu còn có người mặc quần áo kiểu người Trung Quốc thì nên đổi theo thể chế của nước nhà (…) thường phục thì đàn ông đàn bà dùng áo cổ đứng ngắn tay, cửa tay hoặc rộng hoặc hẹp tùy tiện. Áo thì hai bên nách trở xuống phải khâu kín liền không cho xẻ mở. Duy đàn ông muốn mặc áo cổ tròn và hẹp tay cho tiện làm việc thì cũng được. Lễ phục thì dùng áo cổ đứng tay dài, vải xanh chàm hay vải đen, hay vải trắng, tùy nghi”.
Dụ tháng 7 năm Bính Thân này do Việp Quận công Hoàng Ngũ Phúc ban ra. Bản quốc ở đây có nghĩa là xứ Đàng Ngoài của triều đình Lê – Trịnh. Cái áo cổ đứng ngắn tay trong hịch của Hoàng Ngũ Phúc (nguyên văn chữ Hán trong sách là ‘trực lĩnh đoản tụ y’) thì dịch giả trước giờ vì không hiểu về trang phục cổ nên dịch sai. Cổ đứng phải là ‘Thụ lĩnh’ hay ‘Lập lĩnh’, chứ không phải là trực lĩnh. ‘Trực lĩnh đoản tụ y’ không phải là ‘áo cổ đứng ngắn tay’, mà phải dịch là ‘áo ngắn tay với thân trước mở dọc’. Nghĩa là cái áo tứ thân.
Trái: Một cung phi triều Thanh mặc Kỳ bào cuối thế kỷ 19. Phải: Bà Hoàng Huệ Lan mặc sường xám cuối thập niên 1920 (ảnh tư liệu)
Còn cái lễ phục trong dụ của Việp Quận công, mà Lê Quý Đôn viết là ‘trường tụ trực lĩnh y’ (bị dịch sai là cổ đứng tay dài), là loại áo ‘Trường tụ bối tử’ có từ thời Tống; với tay thụng dài, mở dọc ở giữa hai thân trước. Dạng áo này vẫn phổ biến ở thời Lê.
Đời Thanh bên Trung Quốc có một loại áo dài cổ tròn tay hẹp gọi là ‘Mãn thức trường sam’, nghĩa là áo dài kiểu Mãn Châu. Áo Mãn thức trường sam thường để mặc lót trong các triều phục như ‘Trường bào’ hay ‘Mã quái’ (áo kỵ mã). Sau Cách mạng Tân Hợi (1911), dân Hán tộc bên Trung Hoa đặt thêm cái cổ đứng lên áo trường sam, để thành một loại Hán phục. Và họ gọi nó là ‘Trường bào’, thay cho áo trường bào của triều Thanh. Áo trường bào phái nữ lúc đó có thêm cái cổ đứng và được gọi là ‘Kỳ bào’. Áo Mã quái cũng được thêm cái cổ đứng, rồi gọi là ‘Đại quái’. Giữa giai đoạn 1911 – 1949 áo Trường bào Hán phục và áo khoác Đại quái là quốc phục của Trung Hoa Dân quốc.
Rồi đến đầu thập niên 1920 lại có một loại trường sam mới của phái nữ xuất hiện ở Thượng Hải. Áo này là do áo Kỳ bào được cách tân thêm mà thành. Đây là áo ‘Sường xám’, tức là trường sam được phát âm theo tiếng Quảng Đông, mà từ lâu đã trở thành quen thuộc với người Việt. Sường xám nữ có thân giống áo dài Việt Nam, nhưng tay ngắn hơn, hoặc về sau này không có tay.
Loại áo Sường xám nữ cải biên này do bà Hoàng Huệ Lan, tức Madame Wellington Koo (1889 – 1992), phu nhân của Tổng thống lâm thời Trung Hoa Dân quốc Cố Duy Quân (1926 – 1928), tạo ra. Hình dáng áo được cải đổi liên tục cho đến nay. Người Trung Quốc vẫn gọi cái áo sường xám cách tân của phái nữ này là ‘kỳ bào’ (qipao).
Quốc phục salwar kameez của Pakistan. Trái: Áo kurta nam với quần paijama (ảnh Sanaulla). Phải: Áo kurta nữ với quần palazzo và khăn dupatta (ảnh Kalki Fashion)
Ảnh hưởng từ Trung Hoa thì dễ nhận thấy vì ở sát bên biên giới với Việt Nam. Nhưng ảnh hưởng của Ấn Độ từ lâu cũng đã lan tỏa sâu rộng khắp nơi.
Áo dài tay chẽn mặc với quần xuất hiện khá trễ trong lịch sử trang phục của Trung Hoa. Nhưng lối ăn mặc này lại phổ biến ở khu vực Ấn Độ – Pakistan – Afghanistan từ cả hai ngàn năm, và được gọi là ‘Salwar Kameez’. Salwar có nghĩa là quần, và kameez là áo. Cách gọi này là do ảnh hưởng của vùng Trung Đông lên Ấn Độ hồi thế kỷ 11 – 13. Trang phục salwar kameez rất phong phú, với nhiều tên gọi và kiểu dáng khác nhau tùy khu vực. Trong đó có dạng áo dài Kurta với quần Paijama, được Pakistan nhận làm quốc phục ngay sau khi lập quốc năm 1947, rất gần gũi với áo dài Việt Nam.
Từ hàng ngàn năm trước áo dài có tay bó đã xuất hiện ở Ấn Độ dưới dạng kameez Varbana xẻ vai chui đầu, kameez Angarkha có thân áo trước mở dọc một bên, và áo khoác kameez Sherwani mở dọc giữa thân trước. Dạng kameez Kurta có mở một chút ở cổ áo thân trước để chui đầu được người Hồi giáo đem vào Ấn Độ từ thế kỷ thứ 11 đến 13.
Trái: Áo Varbana với quần salwar svathana, thế kỷ 4 (Bảo tàng New Delhi). Phải: Áo Sherwani khoác bên ngoài áo Angarkha, thế kỷ 1 (Bảo tàng Mathura, Ấn Độ)
Cùng lúc đó tên gọi ‘kameez’ cũng được người Hồi giáo đưa vào bán đảo Iberia (Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha) mà họ mới chiếm làm thuộc địa. Ở đây nó được phiên âm theo tiếng Latin thành Camisia, và rồi thành Camisa ở Tây Ban Nha. Sau đó tên loại trang phục này được phát âm là Chemise (Sơ mi) ở Pháp. Cũng khoảng từ thế kỷ 10 – 11, các nhà buôn Ả rập và Ấn Độ cũng truyền bá văn hóa của họ, trong đó có trang phục, đến vùng đông nam Á châu.
Từ ngàn xưa các nền văn minh Phù Nam, Óc Eo, Chân Lạp, Champa, ở miền Nam và miền Trung nước ta đều mang nặng ảnh hưởng của nền văn minh Ấn Độ. Tức là văn hóa Ấn Độ trong một thời gian rất dài đã trải khắp từ Cà Mau lên đến Quảng Bình. Cho nên không có lý do nào ảnh hưởng của Ấn Độ đã không có, nếu không nói là rất nặng, lên nước ta. Ngay như áo dài của người Chăm ở miền Trung hiện nay, mà người Chăm nói là đã hiện hữu từ cả thiên niên kỷ, rất có thể là cái áo dài ‘kameez’ mở cổ chui đầu của vùng Ấn – Hồi. Cái áo dài ‘aw kamei Cam’ (tức ‘áo kamei Chăm’), mà người Chăm cho là không rõ xuất xứ, thật ra phải có nghĩa là ‘áo kameez Chăm’, theo lối phát âm không vĩ ngữ của người Chăm. Cái áo dài ‘kameez’ Ấn – Hồi này cũng đã từ lâu phổ biến rộng sang cả đến vùng Indonesia, Malaysia.
Vì lý do kiêng gợi dục của đạo Hồi, áo dài ‘kurta’ nguyên thủy may thẳng không ôm thân thể, và không mở dọc cài khuy ở thân trước. Áo được xẻ mở một đoạn trên cổ trước ngực hay xẻ bên vai để chui đầu, rồi thắt dây hay cài khuy. Cho đến tận bây giờ, vì lý do tôn giáo mà áo ‘kameez kurta’ phái nữ của người Pakistan dù có may bó theo thân thể vẫn không xếp li bó eo. Đàn bà còn che tóc và cổ bằng khăn choàng Dupatta, là phần không thể thiếu thứ ba trong bộ trang phục ‘salwar kameez’ của người Ấn-Hồi.
Trái: Phụ nữ Chăm mặc áo dài ‘aw kamei Cam’ và áo dài ‘aw bak kwang’, đều là dạng áo dài chui đầu (ảnh Smithsonian, chụp năm 1944) Phải: Phụ nữ Malaysia mặc áo dài kameez mở cổ chui đầu (Bảo tàngVolkenkunde, Hòa Lan, chụp 1856-78)
Trong khi đó người Ấn Độ cởi mở hơn cho nên áo ‘kameez’ phái nam của họ vẫn còn có dạng ‘Sherwani’ và ‘Achkan’ mở dọc và cài khuy ở giữa thân trước hay ở một bên. Và từ thập niên 2000 còn lác đác thấy có dạng áo kurti phái nữ có chít li ở eo.
Quần (salwar) đã được phổ biến ở Ấn Độ dưới dạng ‘Svathana’ bó chân từ cả hơn ngàn năm trước. Hiện nay salwar có rất nhiều dạng và tên khác nhau tùy vùng. Nhưng liên quan đến áo dài Việt Nam thì chỉ kể đến 3 dạng, là ‘salwar Churidar’ có ống chật, là hậu thân trực tiếp của quần ‘svathana’; ‘salwar Palazzo’ với ống loe rộng; và ‘salwar Paijama’ ống thẳng giống như quần áo dài Việt Nam. Quần ‘paijama’, được người Tây Phương ưa chuộng, bao lâu nay cùng áo ngắn ‘jama’ đã trở thành bộ quần áo ngủ pi-da-ma thông dụng khắp nơi trên thế giới, và cả ở nước ta.
Áo dài 5 thân của Việt Nam cũng đã hiện hữu từ lâu lắm rồi. Trong quyển sách “Relatione della nuova missione delli P.P. della Compagnia di Gesù al Regno della Cocincina” xuất bản năm 1631, linh mục – tác giả Cristoforo Borri cho biết rằng cái áo dài mầu thâm phổ biến của nam giới, và nhất là sỹ tử, ở Thuận – Quảng đầu thế kỷ 17 trông tương tự như áo chùng thâm của các giáo sỹ Công giáo thời đó. Ông cũng cho biết rằng đàn ông Nam Hà cũng để tóc dài và quấn khăn như đàn bà.
Trái: Áo dài kamei mở cổ chui đầu của công chúa con gái vua Chăm Po Klaong M’Hnai (1622-1627) ở nhà trưng bầy Chăm Bình Thuận. Phải: Thiếu nữ Indonesia mặc áo dài kameez cổ truyền (không xẻ bên). Ảnh Isidore Van Kinsbergen 1862
Trong cuộc cải cách áo dài 5 thân của phụ nữ ở thập niên 1930, các họa sỹ tham dự vào việc cải tiến như Lê Phổ, Lê Thị Lựu, Cát Tường…, vẫn giữ hình dạng của áo dài 5 thân. Chỉ đổi mới bằng cách làm cho áo tương đối ôm thân thể hơn, và bằng cách bỏ việc nối sống giữa. Vì lúc đó có những loại vải nhập từ Âu châu được dệt với khổ rộng hơn, không cần nối vải nữa. Ngoài ra cái vạt thứ năm (tức vạt hò) bên trong cũng được bỏ đi một nửa bên dưới. Áo dài như vậy trở thành 3 thân, nhưng vẫn gọi là 5 thân hay năm tà. Cho đến thời điểm đó áo dài Việt Nam vẫn chưa có chít li ở eo.
Trong số các nhà cách tân áo dài phụ nữ thời thập niên 1930, họa sĩ Cát Tường, tức ‘Lemur’ do tên Tường của ông dịch ra tiếng Pháp rồi biến thể đi một chút, đã cố gắng cách tân cái áo dài năm thân truyền thống một cách táo bạo hơn cả. Ông đả phá nguyên tắc che cổ bịt tóc ngàn xưa của người Việt trong việc cải biên của ông.
Áo kurta nữ dạng may ôm người, với quần palazzo và khăn dupatta (ảnh tổng hợp)
Hãy đọc một đoạn văn do chính họa sĩ Cát Tường viết trên báo Phong Hóa số ra ngày 23/2/1934, về ý tưởng của ông trong việc cách tân cái áo dài 5 thân truyền thống: “Các bạn thử để ý xem, cái áo hiện thời của các bạn có cái gì bất tiện và thừa không? Muốn để các bạn khỏi tốn thì giờ vô ích, tôi xin thưa: Chính cái cổ là cái thừa, và hai ống tay bất tiện. Cúc cổ chẳng bao giờ cài thì cái cổ để làm gì? Tôi xin hỏi? Để che cổ ư? Thì nó nhỏ síu thế kia, che thế nào là đủ, vả lại áo các phụ nữ nước lạnh bên Âu, Mỹ còn chẳng cần cổ, nữa là xứ ta khí hậu rất nóng. Còn hai ống tay thì… thì các bạn cứ thử co tay lại vuốt mái tóc mà xem. Có phải nó chật quá không?… nó khó chịu và bất tiện lắm không?
Áo dài của ông Cát Tường rất Âu hóa. Áo có cổ cắt đa dạng, có khi khoét trái tim có khi có cổ lọ, hoặc có khi cổ hở được may vải nhún. Vai áo thường may bồng. Tay áo có khi cắt ngắn hay loe rộng. Quần thường có ống loe. Các loại áo dài phụ nữ cách tân ở thế kỷ 21 này rất nhiều khi chỉ là sự lập lại của những gì họa sĩ Cát Tường đã làm cách đây gần 90 năm. Với cái nhân sinh quan nệ cổ “răng đen, tóc xẻ ngôi giữa, vấn khăn” của đại đa số phụ nữ Việt lúc đó, áo dài Lemur chỉ được một bộ phận nhỏ phụ nữ rất cấp tiến đón nhận. Và áo dài Lemur gần như hoàn toàn biến mất sau khi họa sĩ Cát Tường biệt tích năm 1949. Hầu như không có một cái áo dài Lemur nào còn sót lại đến ngày nay…
Vài dạng kameez phái nam cách tân của thế kỷ 20: Trái: Áo Achkan cổ đứng với cổ tay áo chemise và quần bó churidar. Giữa: Áo kurta có cổ đứng với cổ tay chemise và quần paijama. Phải: Áo kurta cổ chemise với cổ tay chemise và quần paijama (ảnh tổng hợp)
Đến năm 1960 cái áo dài phụ nữ Việt lại có thêm một sự cải cách khá quan trọng. Đấy là việc một nhà thiết kế thời trang nữ người Mỹ gốc Nhật đang công tác ở Sài Gòn lúc bấy giờ, bà Michiko Uyemura, đã tạo ra một thiết kế mới cho cái áo dài nữ Việt Nam. Bà đã lấy cái cổ cắt ngang, và cái tay cắt hơi ngắn mà người phương Tây gọi là ‘three-quarters’ tức là 3/4 (mà người mình gọi là ‘troa-ca’, tức Trois-quatres theo tiếng Pháp), được biết đến nhiều ở phương Tây lúc ấy qua trang phục Ấn Độ – Pakistan, cho cái áo dài mới của bà. Bà Ngô Đình Nhu rất thích mẫu áo này và hay tự thân mặc nó để phổ biến. Vì thế cái áo dài này được người Sài Gòn thời bấy giờ gọi là áo dài bà Nhu.
Từ khoảng năm 1960 – 1962 áo dài nữ dạng phổ thông ở Sài Gòn đã bắt đầu có xếp li để tạo eo. Và eo áo dần được bóp nhỏ đến hết mức có thể. Người ta hoặc mặc coóc xê (corset) bó bụng trong áo, hoặc dùng giây dải rút bằng sợi gai thít chặt bụng (mà dây chun và khuy cài không làm được), để đạt được cái eo lưng ong lý tưởng đó. Cổ áo dài lưng ong cắt cao, độn nylon, do ảnh hưởng của áo sường xám bên Trung Quốc. Và tà áo cắt rất dài.
Trái: Áo chùng thâm của linh mục Công giáo La Mã thế kỷ 21 (ảnh uncatolico) Phải: Áo dài 5 thân của một giáo sĩ Công giáo ở Nam Đinh cuối thế kỷ 19 (ảnh tư liệu)
Áo ‘kameez kurti’ phái nữ đúng mode nhất của Pakistan hiện nay lại trông nhang nhác giống áo dài mini, đúng hơn là midi, của Việt Nam ở những năm 1967 – 1971. Giữa phong trào Hippy toàn cầu, áo dài nữ Việt Nam lúc đó được cắt ngắn bớt đi. Thân áo may nới ra ở eo, và nếp chít li bó eo có khi cũng được bỏ đi cho thoải mái, hợp thời. Vai áo dài mini được nối theo cách raglan để ôm vai mềm mại hơn, mà lại tiết kiệm vải. Vạt hò bên trong bị bỏ đi và áo dài từ đấy thành 2 thân, tuy vẫn giữ hình dạng của áo dài 5 thân.
Quần của áo dài mini Việt Nam cắt rất rộng, giống cái quần ‘palazzo salwar’ được phụ nữ Pakistan và Ấn Độ ưa thích lâu nay. Đến nỗi bà Thanh Khánh, một nhà thiết kế vải áo dài nổi tiếng ở Sài Gòn lúc bấy giờ, đã than rằng “giống quần của người Hồi Quốc quá (Hồi Quốc là cách người mình gọi Pakistan lúc đó). Nhưng nếu may quần hẹp lại thì thành cứng, mà có khi lại giống họ hơn”. Có khác chăng là cách cắt vai áo raglan và hàng khuy cài áo về một bên sườn của áo dài mini của Việt Nam lúc ấy. Và trong khi cái quần rộng của áo dài mini Việt thường được cắt rất dài, luôn che dấu đôi giầy hay dép platform đế cao bên dưới, thì quần salwar không bao giờ dài hơn mắt cá chân. Vì phụ nữ vùng Ấn Độ – Pakistan hay đi giầy dép thấp gót hơn.
Trái: Họa sĩ Lê Thị Lựu trong áo dài 3 thân đầu thập niên 1940 (ảnh tư liệu) Phải: Áo dài gấm thất thể 3 thân năm 1948 ở Hà Nội (ảnh tư liệu)
Các mẫu áo dài Ấn Hồi được nêu ra trong bài viết này vì các nhà chuyên môn về áo dài sẽ thấy sự tương quan của chúng với nhiều dạng áo dài Việt, cả 5 tà truyền thống lẫn cách tân. Nếu nhìn thoáng qua các phụ nữ Ấn Độ hay Pakistan mặc ‘salwar kameez’, người ta có thể tưởng nhầm là họ mặc áo dài Việt Nam
Cái cổ đứng đầu tiên ở Ấn Độ được cho là từ thời Hoàng đế Jahangir (1605 – 1627) của triều đại Hồi giáo Mughal (1526 – 1857). Lúc đó áo dài 5 thân của nước ta ở Thuận – Quảng đã phổ biến sâu rộng rồi, cho nên cái cổ đứng của áo dài Việt chắc không lấy ảnh hưởng từ Ấn Độ.
Một áo dài Lemur tiêu biểu (ảnh tư liệu)
Áo có cổ đứng xuất hiện ở Trung Quốc sớm hơn. Theo dõi tranh truyền thần của các hoàng hậu triều Minh, thì từ vị đầu tiên là Mã Hoàng hậu (1368 – 1382) vợ vua Hồng Võ, đến đời thứ 4 là Hồ Hoàng hậu (1425 – 1428) vợ vua Tuyên Đức, các hoàng hậu đều mặc áo lót ngắn hẹp tay với cổ trực lĩnh khoác chéo vạt bên trong áo bào (trực lĩnh đoản sam). Từ Hoàng hậu thứ 5 tức Hiếu Trang Hoàng hậu (1442 – 1449), vợ vua Anh Tông, cho đến hết triều Minh (1644), các hoàng hậu đều mặc áo lót trực lĩnh ngắn có cổ đứng (thụ lĩnh đoản sam).
Nhưng trong cả triều Minh cho đến gần hết triều Thanh, người Trung Quốc không có áo dài với cổ đứng. Các áo trường bào của cả nam lẫn nữ đời Thanh về gần cuối trào cũng có cổ đứng, nhưng là cổ giả gắn vào áo. Triều Thanh của người Mãn Châu luôn cấm việc lưu truyền Hán phục. Mãi đến cuối triều Thanh, ở cuối thế kỷ 19 – đầu thế kỷ 20, các áo dài trường sam, trường bào và kỳ bào bên Trung Quốc mới có cổ đứng.
Một vài mẫu áo dài Lemur (báo Phong Hóa)
Trong khi đó cái cổ đứng đã có vị thế tuyệt đối trong áo dài của Việt Nam từ nhiều thế kỷ. Có khi chỉ nhờ cái cổ đứng mà người ta phân biệt được áo của người Việt và áo của người Hoa. Ví dụ như cũng là áo bào ‘Mã quái’(áo mặc để cưỡi ngựa) cắt y hệt nhau ở cùng một thời, nhưng áo mã quái Việt Nam có cổ đứng (thụ lĩnh), trong khi áo mã quái Trung Hoa có cổ tròn (bàn lĩnh).
Từ thượng cổ cho đến nhà Tùy (581 – 617) người Trung Hoa và các dân tộc lân cận đều chưa biết dùng khuy cài áo. Đời Đường mới bắt đầu có nút áo thắt bằng dây hay vải, nhưng chỉ dành riêng cho binh phục. Đến thời Minh thì nút áo, lúc đầu vẫn là nút thắt, bắt đầu được thông dụng. Có thể người mình bắt đầu học cách dùng nút áo từ thời điểm này. Đến thời Thanh bên Trung Quốc mới có khuy tết con bướm.
Một vài chi tiết trong thiết kế mẫu áo dài Lemur (báo Phong Hóa)
Dựa theo Phủ biên tạp lục, năm 1427, tức là một năm trước khi hoàn toàn đuổi giặc Minh ra khỏi bờ cõi, Bình Định Vương Lê Lợi đã cho chuyển tù binh và hàng binh người Minh vào Thuận Hóa. Trước đó cũng đã có nhiều người Hoa sinh sống ở đấy rồi. Chắc người dân Việt ở địa phương này đã phần nào chịu ảnh hưởng cách ăn mặc của họ, như trong việc dùng nút cài áo và dùng cái cổ đứng, mà mình gọi là cổ xây.
Áo dài thắt lưng ong ở Sài Gòn đầu thập niên 1960. Trái: thắt eo bằng dải rút. Phải: Thắt eo bằng corset (ảnh Life Magazine)
Nhưng nút áo dài truyền thống của mình là loại nút tròn bằng kim loại hay ngọc, ngà, san hô, thủy tinh…, chứ không là loại cài móc bằng kim loại hay loại nút tết con bướm thông dụng bên Trung Hoa, mà mình gọi là khuy Tầu. Và cái cổ xây của Việt Nam cắt hẹp bản hơn và ôm cổ hơn cổ đứng thụ lĩnh bên Trung Quốc.
Trái: Đồng phục salwar kameez của tiếp viên hàng không quốc gia Pakistan giai đoạn 1956 – 1960 với tay cắt 3/4 và khăn choàng dupatta (ảnh Pakistan International Airlines). Phải: Áo dài bà Nhu năm 1960 của nhà thiết kế Uyemura với cổ thuyền, tay cắt 3/4; và vạt áo cắt dài hơn theo phong cách áo dài Việt Nam lúc bấy giờ (ảnh UPI)
Phong tục dấu tóc (vấn tóc) và che cổ là từ nền văn hóa và tín ngưỡng Ấn Độ, không phải của Trung Hoa. Hình dạng và tính cách của áo dài năm tà Việt Nam cũng gần với áo ‘kameez’ của xứ nóng hơn là các loại trang phục phương Bắc. Ví dụ như các áo dài tay hẹp ở phương Bắc đều có tính cách của trang phục xứ lạnh, với tay áo cắt rộng dài hơn, cổ áo cao hơn, và vạt áo cũng cắt dài hơn trang phục của xứ nóng. Trong khi áo dài ngũ thân của Việt Nam có tay bó hơn và vạt ngắn hơn, theo kiểu các áo dài ‘kameez’ Ấn Hồi. Chất liệu vải áo dài Việt cũng thường mềm và mỏng hơn…
Trái: Áo dài Mini có vạt cắt rất ngắn thời cao điểm, với dép Platform (ảnh Vinhmnghiem). Phải: Áo dài mini thời cuối (ảnh Vianaccessories)
Như vậy áo dài 5 thân ở Thuận Hóa, với ảnh hưởng rõ nét từ Ấn Độ như thế, phải được hình thành khi ảnh hưởng của nền văn minh Ấn – Hồi, được thể hiện trên nền văn hóa Champa, hãy còn sâu rộng ở đây. Rồi sau đó nó được đưa đi khắp nơi trong nước. Và nhất là sau khi nhà Nguyễn thống nhất đất nước năm 1802. Theo sách “Ô châu cận lục” của Dương Văn An ấn hành năm 1555, thì thuở ấy ở Thuận Hóa vẫn còn các làng thôn ăn mặc theo lối của người Chăm; mặc dù vua Lê Thánh Tông đã chính thức đặt ra thừa tuyên Thuận Hóa và cho di dân Việt vào khẩn hoang, sinh sống ở đấy từ năm 1466.
Trái: Hiếu Trang Hoàng hậu mặc áo lót có cổ đứng (Bảo tàng Cố cung Đài Loan). Phải: Áo lót ngắn hẹp tay với cổ đứng (thụ lĩnh đoản sam) của một hoàng hậu thời Minh (Bảo tàng Tơ lụa Bắc Kinh).
Có lẽ đâu đó giữa thế kỷ 15 và 16, áo kameez của vùng văn minh Ấn Độ, qua người Chăm, được kết hợp với cách cài khuy áo bên sườn phải và cái cổ đứng theo kiểu của người Việt, để thành cái áo dài 5 thân Việt Nam ở Thuận Hóa. Đến khoảng cuối thế kỷ 16 hay đầu thế kỷ 17 áo dài ngũ thân đã phổ biến sâu rộng ở địa phương này, đến nỗi Đào Duy Từ có thể khuyên chúa Nguyễn Phúc Nguyên cho phụ nữ xứ Đàng Trong mặc áo năm thân cài khuy cho khác biệt với cách mặc áo áo tứ thân thắt vạt khoe yếm của phụ nữ ngoài Bắc.
Và áo dài 2 thân của nữ giới, vẫn trong hình dạng của áo 5 tà, đã tiếp nối di sản áo dài truyền thống của người Việt từ thế kỷ 16 cho đến nay. Riêng áo dài năm thân phái nam thì gần như không thay đổi gì suốt trong nhiều thế kỷ, trừ ra một vài mẫu cách tân vui nhộn trong mấy năm gần đây dành cho giới trẻ. Mà các mẫu áo dài cách tân này từ gần một thế kỷ nay vẫn đến rồi đi một cách vô thường. Còn từ thế kỷ 18 đến nay cái áo dài truyền thống vẫn được người Việt Nam trang trọng khoác vào khi tiếp khách ở mọi cấp bậc.
Trái: Áo mã quái của một chúa Trịnh cuối thế kỷ 18 với cổ đứng. Phải: Áo mã quái của một vua nhà Thanh cuối thế kỷ 18 với cổ tròn (ảnh tư liệu)
Cái áo dài truyền thống trải qua 5 thế kỷ đã in sâu một cách thân thương cũng như thiêng liêng vào tâm hồn người Việt. Dù nó có thể có gốc gác từ đôi nguồn ngoại nhập, nhưng người Việt đã sáng tạo ra những nét độc đáo riêng trên cái áo này để ngày nay nó có một chỗ đứng đặc biệt trong thế giới thời trang quốc tế, ngang với Kimono của Nhật Bản và Salwar Kameez của của các nước Ấn – Hồi. Và để giờ đây đến bộ từ điển bách khoa nổi tiếng toàn cầu Encyclopedia Britanica cũng phải có phần viết riêng về cái áo dài Việt Nam.
Trái: Áo dài 5 thân mai cài thọ của một chúa Trịnh cuối thế kỷ 18. Phải: Áo dài 5 thân thiên thọ của một hoàng thái hậu triều Nguyễn đầu thế kỷ 20 (ảnh tư liệu)
Nguồn Trịnh Bách – Đăng bài: Phúc Hồ
——————————————————————————-
Pro Creative Course I Khóa học SÁNG TẠO, 6 buổi/tháng (cho mỗi môn học): Writing, Storytelling, Art, Design, Creativity. Học viết, thiết kế, tìm hiểu nghệ thuật, phương pháp tư duy, xây dựng giá trị cốt lõi của sáng tạo. Hotline: 0934068088 Email: Creative.proclass@gmail.com . Office: Công ty TNHH MTV Việt Thị . Address: 30, đường C18, phường 12, quận Tân Bình – HCM.
——————————————————————————-
DỰ ÁN VIETNAMCOLOR | Diễn đàn nghệ thuật & văn hoá, đưa người yêu nghệ thuật vào không gian trải nghiệm xứng đáng.
VIETNAMCOLOR I Sàn nghệ thuật chất lượng với những tác phẩm được tuyển chọn kỹ càng & đảm bảo tính độc quyền bởi đội ngũ cố vấn danh tiếng nhằm đem đến sự kết nối cảm xúc chân thực và gần gũi giữa nghệ sĩ, tác phẩm và công chúng.
Các nhà thiết kế Việt Nam với tư duy hiện đại, đã và đang làm ra những sản phẩm độc đáo, đẹp mắt và truyền cảm hứng nghệ thuật cho thế hệ mới.
“Các nghệ nhân xứ này từ đời này qua đời khác vẫn tạo ra được dấu ấn riêng hết sức duyên dáng, thanh lịch, quyến rũ, nhờ tài khéo léo đến hoàn hảo trong nghệ thuật chế tác.”
Không Gian Sáng Tạo Mở I Để câu chuyện nghệ thuật, sáng tạo không chỉ là một trải nghiệm của người làm nghề, mà còn là một phần của văn hóa xã hội ta, dự án VIETNAMCOLOR là nơi trưng bày, gặp gỡ, trao đổi thông tin và giao lưu về nghệ thuật, thiết kế, văn hoá Việt. Không gian mở của VIETNAMCOLOR khuyến khích việc chia sẻ ý tưởng và phản hồi, giúp thúc đẩy sự sáng tạo và hợp tác.
Môi Trường Thân Thiện I VIETNAMCOLOR mang không khí thoải mái và thân thiện, giúp mọi người dễ dàng trò chuyện và kết nối.
Thời Gian Quý Giá I Dành thời gian cho việc chia sẻ về cái đẹp và sáng tạo sẽ khuyến khích ta sắp xếp cuộc đời, công việc, nhiệm vụ để dành thời gian cho cảm nhận trực giác. Chỉ khi đó nghệ thuật mới chạm tới cảm xúc, trái tim mỗi người.
Kết Nối & Cơ Hội I Nhiều doanh nhân và chuyên gia đến với VIETNAMCOLOR để gặp gỡ đối tác, khách hàng hoặc đồng nghiệp. Đây là nơi lý tưởng để thảo luận về cơ hội kinh doanh và xây dựng mối quan hệ, nơi học hỏi trau dồi thực hành và hiểu biết nghệ thuật, thiết kế.
Tính Kết Nối Toàn Cầu I VIETNAMCOLOR hướng tới mục tiêu trở thành một trong những trung tâm nghệ thuật được tin tưởng nhất, nơi các nhà sáng tạo Việt Nam & quốc tế lựa chọn để gửi gắm các tác phẩm nghệ thuật của mình đến tay các nhà sưu tập và công chúng yêu nghệ thuật trên toàn thế giới.
Vì những lý do này, VIETNAMCOLOR đem sứ mệnh trở thành một phần quan trọng trong nền kinh tế và văn hóa sáng tạo của người Việt.
#vietnamcolor #mauvietnam #creativity #branding #positioning #madeinvietnam #texture #touch #love