Vào tháng 2 năm 1970, một nhóm người hippy và các nhà hoạt động xã hội tập trung tại Vancouver, Canada để thảo luận về dự án thử nghiệm hạt nhân tại Đảo Amchitka. Bọn họ đều tập trung sẽ đích thân đến khu thử nghiệm để biểu tình chống lại vụ nổ. Vào cuối buổi gặp mặt, người chủ tịch giơ hai ngón tay lên và thét lớn “Vì hòa bình!” Không lâu sau, một thành viên trẻ đáp lại với câu nói giờ đã trở thành kinh điển: “Vì hòa bình màu xanh lá!”. Cả nhóm được truyền cảm hứng bởi câu nói đó đến mức họ đã đặt tên tổ chức và con thuyền đầu tiên của mình là Green Peace.
Trong suốt 50 năm qua, những phong trào xã hội đã gắn liền với màu xanh lá đến mức gần như không thể thấy bất kì tấm áp phích, thương hiệu hay túi tái chế màu xanh lá nào mà không liên tưởng đến tương lai của trái đất. Mặc dù mối liên hệ này được phổ biến từ khi mọi người nhận thức được các khủng hoảng những năm gần đây, nhưng thực chất từ xa xưa chúng đã gắn liền mật thiết với nhau. Chúng ta gắn liền màu xanh lá với thiên nhiên và những gì liên quan đến nó suốt hàng nghìn năm qua. Bản thân từ “green” cũng bắt nguồn từ một từ cổ đại của tiếng Ấn-Âu nguyên thủy “ghre”, có nghĩa là “grow (phát triển)”
Màu xanh lá trong nông nghiệp
Nhân loại xuất hiện lần đầu ở những cánh rừng xanh tươi và những khu vực đồng bằng xavan cằn cỗi ở châu Phi khoảng 300,000 năm trước và có mối quan hệ sinh học đặc biệt với màu xanh lá. Thậm chí chính đôi mắt của chúng ta đã được tiến hóa để nhìn thấy chất diệp lục trong thực vật. Khác với phần lớn các loài động vật có vú khác, thường bị mù màu xanh lá-đỏ, chúng ta và những người họ hàng bộ linh trưởng đã phát triển một tế bào cảm quang thứ ba. Chính nó đã cho phép tổ tiên ta phát hiện những trái quả chín mọng đỏ tươi hay vàng rực giữa những tán lá xanh dày đặc, hay phân biệt những loại lá khác nhau. Vào ban ngày, đôi mắt con người nhạy cảm với màu xanh lá hơn bất kì màu nào khác.
Với sự phát triển của nông nghiệp, chúng ta bắt đầu sử dụng màu xanh lá như một biểu tượng cho tự nhiên và những gì nó mang lại. Các nhà khảo cổ học gần đây đã phát hiện một kho tàng chuỗi hạt và mặt dây chuyền xanh lá tại Levant, với niên đại lên đến 10,000 năm trước. Phần lớn những vật liệu để làm ra các tác phẩm này này chỉ có thể được tìm thấy hàng trăm dặm cách địa điểm chúng được phát hiện. Các nhà nghiên cứu tin rằng những người nông dân thời xưa đã mạo hiểm đi tìm và tạo hình chúng thành hình lá non để cầu mưa hoặc làm phân bón cho cây trồng.
Người Ai Cập cổ đại khắc họa vị thần Osiris với nước da màu xanh lá
Tương tự như vậy, những người Ai Cập cổ đại chuyên canh tác bên bờ sông Niles khoảng năm 8000 TCN cũng gắn liền cây trồng của họ với màu xanh lá. Họ gọi màu sắc này là “wadj”, còn có nghĩa là “thịnh vượng”, và được biểu hiện trên bảng chữ tượng hình bằng biểu tượng cây cói giấy. Những họa sĩ Ai Cập thường vẽ minh họa vị thần nông nghiệp của họ, Osiris như một thực thể da màu xanh lá rực rỡ. Theo huyền thoại, ông là người đã nhấn chìm bờ sông Nile, lấp đầy đất trồng với chất dinh dưỡng và thúc đẩy những mầm cây đầu tiên lớn lên.
Khắp thế giới, con người tương tác với thiên nhiên thông qua những vật liệu màu xanh lá. Ví dụ, ngọc thạch được sử dụng để tạo những bùa chú cầu may, bảo trợ cho những người làm nông. Người Maya trước đây chôn những vị vua của mình cùng với mặt nạ ngọc thạch cũng vì lí do này. Đặc biệt, một chiếc mặt nạ được thực hiện vào khoảng năm 660 và 750 sau Công nguyên tại Mexico dành cho một vị vua khuyết danh đã lồng ghép nhiều biểu tượng liên quan đến thực vật. Gương mặt đáng sợ của ông nằm phía sau hai bông hoa hai bên, chiếc mũ xòe ra thành một ngọn núi xanh mướt. Bên cạnh hai đóa hoa là những chồi bắp đại diện cho thế hệ tương lai. Chiếc mặt nạ ám chỉ rằng người đeo nó sau khi trở về với đất mẹ sẽ, cũng như Osiris, truyền lại thế giới lượng dưỡng chất cần thiết để con cháu sau này tiếp tục phát triển thịnh vượng.
Màu xanh lá của thiên nhiên
Ít có nền văn hóa nào tôn sùng thiên nhiên như những cộng đồng Hồi giáo. Hơn một thiên niên kỷ trước khi những phong trào vì môi trường bắt đầu nổi lên, kinh Quran đã hướng dẫn người Hồi giáo chăm sóc môi rường sống của mình. Với những lời nói vô cùng sâu sắc và thông thái, nó miêu tả nhân loại như một người hầu tạm thời cho hệ sinh thái, và khuyên rằng không nên phá hoại sự cân bằng tinh tế của tạo hóa bởi những tham muốn vô độ về vật chất hay tàn phá tài nguyên thiên nhiên một cách không thích đáng. Từ thế kỷ thứ 8 đến 13, những triết gia và nhà khoa học Hồi giáo thậm chí đã viết những bản luận về nền nông nghiệp tuần hoàn, sự ô nhiễm và tầm quan trọng của việc bảo tồn động vật hoang dã, thậm chí soạn ra danh sách chi tiết những quyền lợi thích đáng cho động vật.
Và cũng không bất ngờ khi những người theo Đạo Hồi cũng ưu chuộng màu xanh lá. Muhammad coi nó như gam màu đẹp đẽ trên tất thảy, tựa như một ốc đảo ảo giác khi bạn đang lang thang giữa sa mạc Trung Đông. “Có ba điều trên thế giới có thể mang nỗi buồn đi. Nước, thực vật và một khuôn mặt đẹp.” Kinh Quran cũng miêu tả thiên đàng như một khu vườn tươi tốt dày đặc những vườn cây ăn quả xanh mướt đến mức siêu nhiên. Những văn bản dùng một tính từ đặc biệt để miêu tả gam màu xanh này: “madhamatan.” Nó là từ duy nhất trong đoạn ngắn nhất của kinh Quran.
Bức tranh thế kỉ 16 vẽ vị anh hùng huyền thoại Rosham của Ba Tư đáng chú ý ở cách người họa sĩ vẽ phong cảnh thực vật đặc sắc. Hình: Bảo tàng Anh
Màu xanh lá chữa lành tâm hồn
Xã hội phương Tây mất nhiều thời gian hơn để biết cách trân trọng vẻ đẹp của tự nhiên, cũng như của màu xanh lá. Tuy nhiên vào khoảng nửa sau của giai đoạn Trung cổ, những nhà văn châu Âu đã biết cách biến gam màu này thành biểu tượng cho phong cảnh tự nhiên mà họ đã đem lòng yêu, kết nối nó với những đặc tính như sự nuôi dưỡng, phát triển, tuổi trẻ, hi vọng và niềm vui. Trong một văn bản vào thế kỉ 15, sứ giả người Pháp Jean Courtois đã không thể kiềm nỗi phấn khích của bản thân đối với gam màu của chất diệp lục: “Không có bất kì thứ gì trên thế giới này tốt lành hơn những cánh đồng hoa bát ngát, những thân cây hùng vĩ bị che lấp bởi các tán lá rậm rạp , hay bờ sông nơi mà những nàng chim én đôi lúc ghé qua, và những viên đá rực rỡ ánh xanh, như là những viên ngọc lục bảo quý giả,” ông viết. “Điều gì đã khiến tháng 4 và tháng 5 trở thành những tháng tốt lành nhất của năm? Chính là những cánh đồng xanh tươi, thứ đã mời gọi đàn chim đến cùng ca hát, ngợi ca mùa xuân và sự tươi mới xanh ngát mà nó mang đến thế giới.”
Cho đến cuối thế kỉ 17, những nhà thơ người Anh dần nhận ra, cũng giống như chúng ta hiện tại, rằng những không gian phủ đầy sắc xanh diệp lục có thể mang tính chữa lành vô cùng sâu sắc. Bài thơ nổi tiếng của Andrew Marvell, “The Garden,” là một bản thánh ca tôn vinh tiềm năng chữa bệnh của màu xanh lá. “Không phải trắng, không phải đỏ, không có bất kì gam màu nào sở hữu vẻ quyến rũ như màu xanh lá đáng quý này,” ông viết. Marvell sau đó đã miêu tả khu vườn tưởng tượng của ông, nơi ông thoát ly khỏi những phiền muộn vật chất và tận hưởng sự yên bình mà thiên nhiên mang lại.
Phong cách sống xanh trong văn hóa
Những năm gần đây, và đặc biệt ngay lúc này, khi mà hội nghị COP26 diễn ra tại Glasgow – phần lớn những gì chúng ta nghĩ đến khi nhắc về thiên nhiên là nỗi sợ hãi đối với những khủng hoảng hệ sinh thái. Kể từ cuộc gặp mặt tại Vancouver vào đầu năm 1970, gam màu này đã trở thành một cách nhận diện chính thức cho những phong trào vì môi trường. Ngày nay có hơn hàng trăm tổ chức lớn bắt đầu với chữ “Green” trên thế giới. Tất cả bọn họ đã cùng nhau biến gam màu này thành một lý tưởng của thời đại chúng ta, thậm chí có thể ngang hàng với những triết lý như “chủ nghĩa bảo thủ”, “chủ nghĩa xã hội” hay “chủ nghĩa tự do”. Màu xanh lá giờ đây không chỉ là một gam màu; nó đã trở thành một chiến dịch chính trị, một phong cách sống
Joseph Beuyes giúp thành lập tổ chức quốc gia vì môi trường đầu tiên và trồng 7,000 cây sồi tại thành phố Kassel, Đức
Trong lĩnh vực văn hóa, những cái tên tiên phong trong “chủ nghĩa xanh lá” này có thể kể đến là nghệ sĩ Joseph Beuys, người đã góp phần thành lập tổ chức quốc gia vì môi trường đầu tiên, die Grünen, tại Đức vào năm 1980 cũng như đóng góp phần quan trọng trong công cuộc phủ xanh thế giới, trồng 7,000 cây sồi tại thành phố Kassel của Đức từ năm 1982. Nghệ sĩ người Anh David Nash đã dành 4 thập kỉ vừa qua thực hiện những tác phẩm điêu khắc dựa trên thực vật tại vùng Bắc Wales. Ash Dome, tác phẩm sắp đặt độc đáo với 22 cây sồi đã và đang phát triển ổn định từ năm 1977. Giờ đây nó trở thành một biểu tượng để duy trì niềm tin tích cực đối với những chuyển biến trong hệ sinh thái. “Chúng ta đang giết chết hành tinh này,” Nash hồi tưởng. “Ash Dome đóng vai trò như một giao ước lâu dài, một hành động vì tương lai tích cực hơn.”
Tuy nhiên không phải ai cũng lạc quan như vậy. Vào khoảng cuối những năm 1990 và đầu những năm 2000, nghệ sĩ người Iceland-Đan Mạch Olafur Eliason đã thải ra một lượng lớn uranine (một chất nhuộm màu vàng-xanh lá) vào mặt nước, biến chúng thành một gam màu xanh lá đáng sợ. Bởi vì không hề có lời báo trước, cảnh tượng mặt nước xanh đục ngầu này đã trở thành một lời nhắc nhở ám ảnh đối với những người được chứng kiến về hàng tấn rác thải đang xâm nhập nguồn nước thế giới mỗi ngày.
Vào những năm cuối đời, họa sĩ Howard Hodgkin đã sáng tác bức “Leaf”, một bức họa trừu tượng mang gam màu xanh lục bảo khơi gợi sức sống tươi mới của chiếc lá
Những nghệ sĩ khác đơn thuần là được truyền cảm hứng bởi vẻ đẹp cao thượng của thiên nhiên, cũng giống như tổ tiên của họ trước đây. Vào những năm cuối đời, Howard Hodgkin nhúng cây cọ vào màu xanh lục bảo và sau đó, với một chuyển động quyết đoán, ông vẽ những đường cong chồng chất lên nhau như thể những vòng tròn tuần hoàn trên một mặt gỗ. Tác phẩm hoàn thiện nếu nhìn qua thì có thể giống một bức tranh trừu tượng, nhưng thực chất nó khắc họa thứ mà tất cả chúng ta đã quá đỗi quen thuộc: một chiếc lá – rực rỡ, tươi mát và tràn đầy sức sống.
Mặc dù tương lai của hành tinh này vẫn còn không chắc chắn, nhưng nhiều nhà nghiên cứu tin rằng chính những chiếc lá, và hợp chất màu xanh kì diệu bên trong nó sẽ trở thành món vũ khí quyết định trong cuộc chiến dai dẳng chống lại biến đổi khí hậu. Đây cũng là cách mà câu chuyện này nên diễn ra. Sau cùng thì, đối với những người nông dân đầu tiên chờ đợi những hạt chồi non đâm nở từ đất, hay những người Hồi giáo mơ mộng về thiên đường khi lang thang trên sa mạc, và cả đối với những nhà hoạt động xã hội hiện đại kiên định với ước mơ tạo nên một nền tương lai bền vững, thì màu xanh lá đã và chính là gam màu của hi vọng – niềm hi vọng rằng, sau một mùa đông dai dẳng, lạnh giá và mùa hè nắng gắt, khô hạn, thì màu xanh lá sẽ xuất hiện và trở thành những sứ giá báo tin về một khởi đầu mới đang đến.
Nguồn: BBC Culture
Bài dịch: Phúc Hồ. Bản quyền thuộc về Vietnamcolor..vn, vui lòng ghi rõ nguồn khi muốn sao chép.
——————————————————————————-
Pro Creative Course I Khóa học SÁNG TẠO, 6 buổi/tháng (cho mỗi môn học): Writing, Storytelling, Art, Design, Creativity. Học viết, thiết kế, tìm hiểu nghệ thuật, phương pháp tư duy, xây dựng giá trị cốt lõi của sáng tạo. Hotline: 0934068088 Email: Creative.proclass@gmail.com . Office: Công ty TNHH MTV Việt Thị . Address: 30, đường C18, phường 12, quận Tân Bình – HCM.
Pro Creative Course I Trường đại học 6 ngày với những buổi học và bài giảng sẽ tạo ra những gợn sóng xung đột trong tâm trí và trái tim bạn, làn sóng cảm hứng bất tận, giúp bạn tìm thấy những nguyên tắc dẫn lối tài năng của mình đến với cái đẹp và sự sáng tạo. Pro Creative Course sẽ như một cuốn sách hướng dẫn hành trình của bạn. Đây là lời mời hít thở bầu không khí đầy sức sống, cảm nhận ngọn lửa tận trái tim bạn và sự thăng hoa của tinh thần.