Chất liệu vải từ các vùng miền Việt Nam
Ngành thời trang Việt Nam hiện nay vẫn đang hoạt động vô cùng sôi nổi với nhiều thương hiệu trẻ trung, thiết kế đương đại xuất hiện trên thị trường. Tuy số lượng làng nghề không hề ít cũng như sản phẩm địa phương độc đáo, nhưng phần lớn các thương hiệu thời trang đều đang phụ thuộc vào những vật liệu nhập khẩu từ nước ngoài. Ngành sản xuất nguyên phụ liệu may mặc Việt nam chưa khai thác triệt để đặc trưng của các chất liệu địa phương. Riêng Lụa tơ tằm có nhiều loại, lụa dệt thủ công, lụa dệt máy công nghiệp từ đó có những sản phẩm lụa khác nhau: Habutai, chiffon, satin, voan, đũi, lụa chéo, lụa hoa, lụa pha… Trên thực tế, các NTK cũng gặp rất nhiều khó khăn trong việc sử dụng chất liệu nội địa.
Các loại vải truyền thống có thể kể đến là lụa, vải thổ cẩm và vải gai, lanh. Trong đó, lụa tơ tằm tuy có nhiều làng nghề lâu đời và đặc sắc nhưng hiện nay vẫn khó cạnh tranh với vải ngoại nhập. Qua bài viết này, chúng tôi mong nhận được nhiều ý kiến đóng góp từ các nhà thiết kế, để chúng ta cùng vượt qua những khó khăn, chia sẻ hiểu biết tới khách hàng, qua đó cùng phối hợp với cơ sở sản xuất, phát triển mẫu mã, tính toán giá bán hợp lý để các thiết kế sử dụng nguồn vải từ nguyên liệu địa phương đến tay người tiêu dùng trong nước nhiều hơn.
“Các cơ sở sản xuất Lụa Việt Nam đang gặp những vấn đề: Giá thành quá đắt đỏ, thiếu đa dạng trong mẫu mã, và chỉ tập trung phục vụ đối tượng những người giàu có tại Việt Nam, hoặc thị trường xuất khẩu” NTK Ngọc Anh, người sáng lập thương hiệu La Phạm cho biết. Lụa Việt Nam khó cạnh tranh với lụa từ các nước khác do quá trình sản xuất còn rất thủ công, máy móc cũ dẫn đến chất lượng lụa kém, màu nhuộm đôi khi không đều, mẫu mã ít sáng tạo, gây khó khăn cho người đặt hàng. Lụa Bảo Lộc cũng đang phát triển phòng nghiên cứu mẫu, hy vọng sẽ có nhiều sự lựa chọn hơn sau giai đoạn này”.
Thiết kế của thương hiệu La Phạm sử dụng lụa, chinfon từ làng lụa Nha Xá, Bảo Lộc, các mẫu thiết kế sáng trọng, hiện đại, phù hợp với người trẻ năng động. Ngọc Anh cũng là người truyền cảm hứng cho khách hàng của thương hiệu Lapham
Nhà thiết kế Ngọc Anh từ khi thành lập thương hiệu luôn giữ một triết lý riêng cho bản thân đó là luôn ủng hộ hàng nội địa mỗi khi có thể. Đây là động lực giúp chị chu du khắp mọi miền đất nước, truy tìm những loại vật liệu từ các làng nghề của Việt Nam, cũng vì vậy mà chị thấy rõ những hạn chế của lĩnh vực vật liệu nước nhà. “Các bên sản xuất vải từ chất liệu truyền thống Việt Nam đang gặp ba vấn đề chính: Giá thành quá đắt đỏ, thiếu đa dạng trong mẫu mã, và chỉ tập trung phục vụ đối tượng giàu có tại Việt Nam – một nhóm đối tượng quá ít ỏi so với một thị trường đầy tiềm năng.” Ở góc nhìn phía sản xuất vật liệu, không thể phủ nhận họ cũng gặp rất nhiều khó khăn: Vừa phải nghiên cứu, cải tiến chất liệu của mình, vừa duy trì tiến độ sản xuất vừa tìm đầu ra cho các sản phẩm. Chưa hết, khi làm việc với những làng nghề cũng gặp nhiều khó khăn và rủi ro. Do những thợ thủ công tại các làng nghề chủ yếu làm việc thủ công, họ vừa trồng lúa, hoặc canh tác nông nghiệp, vừa dệt lụa, nên thời gian sản xuất sẽ bị kéo dài, cũng như không ổn định.
Không thể cạnh tranh với Trung Quốc, Nhật Bản
“Phải thừa nhận rằng, về lĩnh vực sản xuất vật liệu vải, chúng ta không thể bằng Trung Quốc.” Chị Mizuno Gia Cát, một chuyên gia làm việc trong lĩnh vực thời trang tại Nhật Bản suốt 20 năm, đồng thời là nhà đồng sáng lập thương hiệu giày JacQ chia sẻ. “Mặc dù Nhật Bản đã đầu tư vào các nhà máy sản xuất nguyên vật liệu ngành dệt may tại Việt Nam, mang đến những chuyên gia cao cấp với công nghệ cao nhưng các nhà máy này vẫn chưa thể hoạt động hiệu quả. Bởi vì trên thực tế, 80% nhà máy tại Việt Nam chỉ để may gia công. Ngoài ra chúng vẫn đang ở trong trạng thái tồi tàn, máy móc lỗi thời.” “Để so sánh với Trung Quốc, năm 2001, các nhà máy của họ chỉ nhận may theo rập do bên Nhật làm. Ba năm sau, Trung Quốc học tập và bắt đầu thành lập các nhà máy dệt vải. Cho đến năm 2010, các nhà máy đã chuyển sang chủ động cử người sang chào hàng các chất liệu vải do họ sản xuất. Đến thời điểm này, các công ty tại Nhật Bản chỉ cần đơn giản chọn loại vải, theo mẫu thiết kế tùy ý. Sự phát triển thần tốc này một phần là nhờ các chính sách nhà nước, một phần họ cũng biết tự mình liên tục nghiên cứu, cải thiện vật liệu để cạnh tranh với các đối thủ trên thị trường quốc tế.”
Trong khi đó Việt Nam ở thời điểm hiện tại vẫn chưa có khả năng tự sản xuất vải, đủ cho một thị trường trẻ trung đầy tiềm năng. Nhà máy dệt Nam định sau khi di dời và xây dựng nhà máy mới, với kế hoạch phát triển máy móc hiện đại và công nghệ mới, thì gặp ngay Covid_19, mọi sự phát triển gặp muôn vàn khó khăn với đầu ra ngành thời trang bị hạn chế tối đa.
Lụa là một nghề truyền thống lâu đời của Việt Nam, các làng lụa trải dài từ Bắc, Trung, Nam
Như vậy, chỉ khi nào Việt Nam chủ động trong việc tự cung cấp vải thì mới có thể trở thành điểm sản xuất chiến lược, cung ứng vải cho ngành thời trang của các nước phát triển như Nhật Bản, Hàn Quốc…
Một số phương án có thể cân nhắc để hợp tác với các làng nghề đó là đầu tư máy móc hiện đại hơn cho các thợ dệt, đi tìm những sản phẩm đặc trưng do họ tạo ra và tìm một đầu ra ổn định để họ có động lực bám trụ với nghề. Ngoài ra, vật liệu do các làng nghề sản xuất cũng cần được thiết kế lại nhằm đáp ứng nhu cầu của hai nhóm khách hàng chính: người Việt nam và người nước ngoài.
Lấy lại lòng tin ở thị trường lụa
Đặc biệt đối với bài toán kinh doanh lụa sau thất bại của thương hiệu Khaisilk tại thị trường Việt Nam, chị Gia Cát chia sẻ rằng người muốn dấn thân vào thị trường này cần phải hiểu rõ đặc tính của lụa, thị hiếu người dùng cũng như biết sáng tạo, mở rộng cách ứng dụng lụa trong những sản phẩm của mình. Nhà kinh doanh thương hiệu phải dành chi phí cho phòng nghiên cứu mẫu, phát triển sản phẩm chất liệu điạ phương, đó cũng là cách truyền thông hiệu quả cả về mặt hình ảnh và sự phát triển của thương hiệu được lâu dài.
“Không thể phủ nhận rằng trong thời đại công nghiệp, lụa chỉ chiếm thị phần cao nhất khoảng 5%. Thứ nhất vì đây là loại vật liệu khó tính, dễ nhăn, màu nhuộm còn bị phai, tuy thoáng mát vào mùa hè nhưng lại không phù hợp với các nước khí hậu lạnh, nên không xâm nhập được các thị trường có khí hậu 4 mùa. Các thiết kế lụa cũng không được giới trẻ ưa chuộng bởi vì với sự năng động của mình, họ sẽ luôn ưu tiên các loại vải khác như cotton, linnen. Sau Khaisilk, nếu muốn tiến vào thị trường lụa, ta phải xác định trước mục tiêu, kế hoạch, thị trường tiêu thụ. Không chỉ dừng lại ở làm khăn, ta phải mở rộng ra các mặt hàng khác như chăn, rèm, ga, gối… Tại Nhật, nhiều thương hiệu chọn cách thiết kế đồ lifestyle làm từ lụa hoặc cải tiến các dòng quần áo có sẵn bằng cách pha với lụa.
Những thiết kế trong BST Lúa – trình diễn tại Tokyo Fashion Week 2016 của NTK Công Trí sử dụng lụa Lãnh Mỹ A, một chất liệu rất độc đáo, làm từ tơ tằm 100%, dệt bằng phương pháp dệt satin kỹ thuật 8/1 (phương pháp dệt khó nhất trong dệt tơ tằm) và phải nhuộm bằng trái mặc nưa. vải lãnh dày dặn, bề mặt bóng đẹp, màu đen nhánh tự nhiên, tuy nhiên nếu không hiểu hết chất liệu này, sẽ làm mất vẻ đẹp của lụa
Những thiết kế trong BST Cô Ba Đông Dương – trình diễn tại Hotel Des Arts Saigon 2016 của thương hiệu Buiross – Nhà thiết kế Phương Bui sử dụng lụa organza Bảo Lộc và mẫu thêu phát triển từ họa tiết Việt nam
Mẫu thiết kế trong BST Prey Nokor – trình diễn tại sự kiện tạp chí Elle 2017 của NTK Trương Thanh Hải, lấy cảm hứng từ người chị, người mẹ, người em gái từ truyền thống gia đình miền Nam Việt nam, Prey Nokor là tên gọi gốc của Saigon theo tiếng Khơme
Bài toán giá thành
Chị Mizuno Gia Cát cho biết: “Trong khi ở Việt Nam, bài toán giá thành cao vẫn là một vấn đề nan giải thì tại Nhật, các thương hiệu đã giải quyết nó bằng cách thiết kế và duy trì một quy trình sản xuất ổn định, hiệu quả, cũng như đảm bảo luôn thỏa mãn những tiêu chuẩn nghiêm ngặt về chất lượng vải ở mỗi công ty. Chính vì vậy nên giá thành quần áo của Nhật tuy rẻ hơn ở Việt Nam nhưng chất lượng rất ổn định. Mỗi công ty có quy định riêng về vải, và luôn bố trí nhân viên đến thẳng nhà máy sản xuất để kiểm tra thường niên. Luật pháp Nhật cũng hỗ trợ các công ty kiểm soát kĩ lưỡng từng đầu kim mũi chỉ và có một số cơ quan chuyên kiểm tra độ bền vải, độ phai màu. Sự thành công của Uniqlo không thể không kể đến việc thương hiệu này đã luôn đảm bảo mọi quy định từ dệt vải đến khâu may mặc suốt hàng chục năm qua, mang lại những sản phẩm đáng tin cậy cho dù ở bất kỳ đâu trên thế giới. Ngoài ra, Uniqlo cũng có sự linh hoạt nhất định mỗi khi du nhập vào các quốc gia khác. Ví dụ ở thị trường Việt Nam, các thiết kế sẽ có những thay đổi liên quan đến màu sắc, chiều dài, độ dày mỏng của vải để đáp ứng nhu cầu khách hàng địa phương.”
Sự khác biệt giữa thị trường Việt Nam và xuất khẩu
Một đặc điểm đáng chú ý rằng bất kỳ người Việt nào cũng có tinh thần yêu nước, nếu giá thành hợp lý, mẫu thiết kế phù hợp, họ sẵn sàng chi tiền cho các sản phẩm thời trang Made in Vietnam. Phần lớn các ngành thời trang ở Nhật không phát triển dựa trên vật liệu truyền thống hay nguồn gốc sản phẩm. Thay vào đó, người tiêu dùng ở xứ sở hoa anh đào quan tâm nhiều hơn đến giá trị thương hiệu, thiết kế… Các thương hiệu vì thế cũng phải liên tục duy trì giá trị cái tên của mình trên thị trường bằng cách liên tục cập nhật những xu hướng quốc tế, chia nhỏ thành nhiều thương hiệu con để phục vụ những nhóm khách hàng nhất định, và liên tục cải thiện, phát triển vật liệu để cạnh tranh với các đối thủ trong một thị trường vô cùng sôi nổi.
“Muji là một thương hiệu rất được yêu thích tại Nhật Bản nhờ các sản phẩm lifestyle sở hữu vẻ đẹp đậm chất Nhật, trong khi các dòng quần áo thì rất cơ bản. Thói quen người Việt là thích tặng quà cho nhau, đặc biệt là những món đồ giúp bản thân tự hào về đất nước. Vậy tại sao không tiếp cận lụa qua mảng lifestyle, vừa đa dạng trong cách ứng dụng và cũng là một cách thực tế để quảng bá nét đẹp đặc trưng của lụa Việt Nam?” – Chị Gia Cát chia sẻ.
Chị Hồng từ (VINASME) – Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam cho biết: Muốn phát triển thị trường cần bài toán lâu dài, kiên trì và tuân theo một định hướng nhất quán. Ngoài thiếu nguồn tài chính, nguồn nhân lực, Việt nam lại chưa có người thực sự biết tận dụng tốt nhất công nghệ cho sản xuất. Để rút ngắn sự chênh lệch về chất lượng giữa lụa xuất khẩu và lụa tiêu dùng trong nước, ngoài việc đầu tư phát triển sản phẩm cũng phải chú ý đến thị hiếu người tiêu dùng nội địa. Nhìn sang các nước đang phát triển, tôi thấy điều quan trọng nhất cần có một tổ chức, mà tổ chức đó không bị chi phối bởi một hệ thống chính quyền địa phương nào. Tổ chức đó tập hợp những người thực sự tâm huyết với ngành hàng này, có hiểu biết về chuyên môn, hiểu biết về xu hướng phát triển và đặc biệt họ phải có tình yêu thực sự với lụa, đặt lợi ích bản thân, lợi ích mà kinh doanh lụa mang lại, phía sau lợi ích sống còn của nghề lụa. Có thể là hai tổ chức riêng biệt: một tổ chức của những nghệ nhân, làng nghề, một tổ chức chú trọng về bảo tồn và phát triển (có thể dành cho nhiều sản phẩm khác nhau chứ không riêng gì lụa). Các tổ chức này hoạt động có tiêu chí rõ ràng và được ưu tiên kết nối quốc tế từ nguồn tài trợ kinh phí, nguồn nhân lực chuyên gia nước ngoài… Hiện tại theo chị Hồng, yếu tố lớn nhất đang kìm hãm sự phát triển của làng nghề lụa là chưa nhìn ra cái hướng, mục đích cốt lỗi của việc bảo tồn, phát triển sản phẩm địa phương ưu tiên lên hàng số một – kim chỉ nam hành động của các hiệp hội ngành hàng. Nếu có cũng chỉ là vỏ bọc bên ngoài, bên trong là kinh doanh và bán sao cho nhiều nhất có thể, chưa chú trọng đến tính bền vững của sản phẩm, thương hiệu của ngành hàng họ đang tham gia, đang phục vụ. Phát triển bền vững là cốt lõi vấn đề. Sản phẩm bền vững phải đảm bảo được các quy trình bao gồm các công đoạn nhuộm, xử lý vải lụa tuân theo tiêu chí bảo vệ môi trường. Cần phải đặt ra những câu hỏi như, có bao nhiêu xưởng nhuộm, dệt sử dụng thuốc nhuộm Azo? Họ có đối xử công bằng với người lao động họ thuê ? Có sử dụng lao động trẻ em? Có thực sự đoàn kết trong việc giao thương, kết nối không? Hay đang làm riêng lẻ? Chất lượng lượng hàng hóa sản xuất có tuân thủ như mẫu khách hàng đặt không…
Mẫu thiết kế của NTK HuyVo trình diễn trong Tuần lễ các nhà thiết kế Việt nam – Vietnam Designer Fashion Week 2016 tại Saigon, BST sử dụng chất liệu satin, taffa, chiffon từ Bảo Lộc. Các mẫu thiết kế rất đẹp, tinh tế, nữ tính và sang trọng
Giải pháp quảng bá và phát triển làng nghề, vật liệu truyền thống Việt Nam
Việt Nam có là một nước đa dạng vùng miền, thị hiếu của khách hàng cũng vì thế mà khác biệt. Không có lý do gì khi thẩm mỹ của người dân ngày càng hiện đại hơn, ta lại không sử dụng những cảm quan hiện đại dựa trên những chất liệu truyền thống để đáp ứng nhu cầu thị trường, bởi mẫu mã của các sản phẩm từ làng nghề truyền thống chưa được đa dạng. Mặc dù ngày nay, có nhiều NTK Việt Nam đang cố gắng tối ưu hoá những chất liệu truyền thống, NTK Ngọc Anh thương hiệu La Phạm luôn cố gắng sử dụng chất liệu nội địa hay NTK Minh Hạnh, nghiên cứu và ứng dụng những chất liệu, hoạ tiết của dân tộc thiểu số vào trong những thiết kế của mình. Tuy nhiên, những thiết kế đó phần nhiều vẫn phục vụ cho những khách hàng có tài chính tốt. Chị Gia Cát nhận định: “Nếu muốn phát triển làng nghề, thì mình cần thay đổi chiến lược để nhắm vào số đông. Bởi chỉ tập trung vào 1-5% khách hàng giàu có thì không thể song song với phát triển làng nghề”. Đặc điểm chung của các làng nghề là “cha truyền con nối”, họ thừa hưởng tay nghề của ông cha và từ đó kế thừa, phát huy truyền thống gia đình, họ có khả năng làm ra những sản phẩm thủ công rất chất lượng. “Tuy nhiên, họ không cạnh tranh được với thị trường sản xuất hàng loạt. Bởi đôi khi có những họa tiết thổ cẩm được làm bằng máy, nhìn giống hệt làm thủ công nhưng giá thành lại chỉ bằng 1/10. Bên cạnh đó, mẫu mã đa dạng bởi họ chủ yếu làm những sản phẩm mang tính chất lưu niệm” Chị Rachel Nguyễn chia sẻ.
Thêm vào đó, giới trẻ khi thấy những ngành nghề khác được đón nhận hơn cũng sẽ dễ dàng theo đuổi và không tiếp nối nghề truyền thống của cha ông. Lấy ví dụ như việc nuôi tằm để làm lụa. Người xưa có câu: “nuôi tằm ăn cơm đứng”, ám chỉ sự khó khăn và vất vả của việc nuôi tơ, dệt lụa. Khi thấy công việc vất vả mà lợi nhuận lại không cao, đồng thời mẫu mã không được cải tiến trong suốt bao nhiêu năm, liệu mấy ai có thể kiên trì với những làng nghề truyền thống?
Có lẽ, bên cạnh sự quan tâm và đầu tư đúng mực của chính phủ vào các làng nghề như một cách để quảng bá văn hoá. Bản thân những người làm nghề cũng nên được khuyến khích sáng tạo, tạo ra những sản phẩm với thẩm mỹ hiện đại hơn, thiết kế khai thác chất liệu, hoa văn truyền thống, để thu hút nhiều đối tượng khách hàng trong và ngoài nước, và cũng là để bản thân có hứng thú hơn với làng nghề truyền thống của cha ông.
Lấy cảm hứng từ cuốn Vietnam Color I Vietnam Màu gì, thương hiệu Umbrella và Pro Creative đã cùng sáng tạo BST Vietnam Color, sử dụng chất liệu satin, chiffon từ Bảo Lộc, đã nhận được sự quan tâm của khách hàng và gây hiệu ứng truyền thông độc đáo, tháng 11 năm 2020 – mood board do Pro Creative thực hiện
Chị Đoàn Quỳnh Nhi, giám đốc sáng tạo của thương hiệu Umbrella cho biết: “Lụa Bảo Lộc chất liệu rất tốt, mẫu mã và màu sắc đa dạng, vì vậy dù giá thành cao hơn các cơ sở sản xuất khác, thì chị vẫn chọn loại lụa này. Lụa Bảo Lộc xuất khẩu chiếm hơn 80% thị phần cả nước, do uy tín về thời gian giao hàng, quy trình bán hàng của các doanh nghiệp làm lụa tại Bảo Lộc”
Thẩm mỹ độc đáo của sản phẩm khăn lụa kết hợp làm trang sức của Silk Party – thương hiệu do chị Hươngcolor sáng lập – sử dụng chất liệu lụa từ làng lụa Nha Xá
Chị Hương cho biết, qua tìm hiểu thị trường nội địa, chị thấy khách hàng vẫn ít lựa chọn váy áo, hay các sản phẩm lifestyle làm từ lụa tơ tằm, do nghĩ lụa khó giặt ủi, màu phai, không bền bằng các loại vải khác, và đắt tiền. Nhưng đã sử dụng lụa rồi, thì sẽ thấy rằng những nhận định trên không hoàn toàn đúng. Lụa tơ tằm là kho báu, tài nguyên của Việt nam. Lụa Nha Xá mềm mại, cho ta cảm giác được ôm ấp trong những ngày đông lạnh, mát mẻ, êm dịu trong cái nong oi ả, vì hàm lượng tơ sợi là 100%. Ưu thế của lụa Nha Xá là sợi tơ bóng, nét đẹp dịu dàng, thanh nhã. Từ thế mạnh từ chất liệu, trong năm đầu tiên, chị Hươngcolor đã cho thiết kế những mẫu khăn kết hợp trang sức làm thành hộp quà tặng cho những dịp đặc biệt. Đang trong giai đoạn thử nghiệm bán hàng, nên Silk Party hướng tới đối tượng khách hàng là người được trải nghiệm sử dụng, mua làm quà tặng cho công ty, hội thảo, chưa bản lẻ rộng rãi trên thị trường. Giai đoạn này Silk Party đầu tư vào thiết kế sáng tạo mẫu mới, với chất liệu bền và đẹp hơn, màu đa dạng, tăng thêm những giá trị cho khách hàng, giá cả hợp lý để sản phẩm SilkParty giới thiệu tới số đông người Việt nam.
Hướng đi trong tương lai của nguyên vật liệu Việt Nam?
Trong bối cảnh xã hội phát triển với tốc độ chóng mặt và yếu tố lợi nhuận được đặt lên hàng đầu, dẫn đến sự mai một của các làng nghề truyền thống. Có những cá nhân “vẫn lội ngược dòng” bởi sự tâm huyết của họ với phát triển bền vững và những nguyên vật liệu truyền thống như trên. Và một trong số đó có thể kể đến chị Rachel Nguyen, nhà sáng lập tổ chức phi chính phủ KIBV (Keep It Beautiful Vietnam) nhằm nuôi dưỡng và phát triển bền vững thông qua quảng bá về văn hoá, giáo dục và môi trường. Một dự án đáng chú ý của tổ chức là Empower Women Asia, nhằm trao quyền cho phụ nữ thiểu số tại các làng nghề dệt Việt Nam. Đồng thời, Empower Women Asia (EWA) cũng giúp quảng bá các sản phẩm truyền thống bền vững với chất lượng cao, cả ở khía cạnh sản phẩm lẫn khía cạnh văn hoá, môi trường. Trên trang web của EWA có chia sẻ những câu chuyện, những sản phẩm và văn hoá đặc trưng của những dân tộc thiểu số Việt Nam.
Sản phẩm thời trang cao cấp và hiện đại từ làng Phú Vinh, sử dụng chất liệu mây và tre truyền thống (Nguồn ảnh: EWA)
Thương hiệu bền vững từ sợi lá dứa Ananda Zurich sử dụng hoạ tiết thêu truyền thống Việt Nam trên sản phẩm túi sợi dứa
Một trong những mong muốn của chị Rachel trong việc bảo tồn và phát triển các làng nghề truyền thống là xây dựng một quy trình sản xuất khép kín ở Mai Châu, Hoà Bình để chủ động về nguồn nguyên liệu thô, đồng thời khuyến khích trồng những cây có năng suất cao, mang lại nhiều lợi ích cho bà con nông dân và những người theo đuổi làng nghề truyền thống. Trong bối cảnh nước ta đang ngày càng chú trọng vào giáo dục, cùng với dân trí, nhận thức của mọi người, đặc biệt là giới trẻ ngày càng được nâng cao. Họ dần quan tâm nhiều hơn đến môi trường, đến phát triển bền vững. Có lẽ để phát triển những chất liệu truyền thống một cách hiệu quả ta cầu chú trọng đầu tư cho sự phát triển bền vững ở các làng nghề. Bền vững ở đây ngoài giảm thiểu tối đa tác động đến môi trường, cũng cần tập trung vào yếu tố con người, làm sao cho họ có môi trường làm việc an toàn, hiệu quả và có một cộng đồng để hỗ trợ, phát triển lẫn nhau. Trong những nỗ lực không ngừng nghỉ để theo đuổi sự bền vững, chị Rachel cũng đang nghiên cứu và phát triển, thương mại hoá sợi lá dứa, một loại sợi thân thiện với môi trường. Theo chị, chất liệu lá dứa nếu không sử dụng, sẽ bị xử lý bằng cách đốt và gây hại tới môi trường. Ngược lại, nếu được nghiên cứu và đầu tư, nó sẽ được dệt thành chất liệu mới, tạo nên sản phẩm có tính thẩm mỹ cao. Song song với đó còn giải quyết được vấn đề về rác thải và công ăn việc làm cho bà con nông dân. Tuy nhiên, chị Rachel cũng có chia sẻ, để thực hiện sản xuất sợi lá dứa bài bản và quy mô hơn, cần rất nhiều đến sự hỗ trợ của chính quyền địa phương và sự đầu tư của các tổ chức, cá nhân.
Chị Rachel đã cho ra mắt sản phẩm túi xách dệt từ sợi dứa, nhà thiết kế Trần Thị Thanh Nga sử dụng vải thổ cẩm từ Mai Châu, chị Ngọc Anh Lapham sử dụng lụa Nha Xá, họ vừa cùng nhau trình diễn thành công bộ sưu tập mới tại buổi giao lưu văn hóa Việt nam – Thụy sĩ do đại sứ quán Việt nam tổ chức ngày 1 tháng 9.2021 tại Zurich.
Như vậy, song song với việc phát triển và sáng tạo những thiết kế mới với chất liệu dân gian, cũng cần thử nghiệm những chất liệu mới, có ích để hội nhập với một thị trường với những yêu cầu ngày càng cao.
Kilomet 109 là thương hiệu thời trang bền vững, sử dụng chất liệu chế tác từ sợi lanh, nhuộm chàm, lụa tussah nhuộm mủ mặc nưa. Vải lụa tơ tằm được nhúng mủ mặc nưa nhiều lần rồi ngâm bùn tươi. Sau khi được cầm màu thì vải sẽ được đập bằng máy để làm mềm và cũng để vải chắc hơn. Thực sự là một phương pháp thủ công rất hiếm và độc đáo. Nó là loại vải lụa khoẻ nhất mà thương hiệu này có thể tạo ra. Vải có chức năng kỳ diệu vừa chống thấm và chống bẩn. Một tấm áo lý tưởng cho nhiều điều kiện thời tiết khác nhau. NTK Vũ Thảo được trao giải Grand Champion, giải thưởng đầu tiên của chính phủ và một số tổ chức Hàn Quốc trao cho những người Việt Nam tiên phong làm tăng giá trị của đồ thủ công, tôn vinh bản sắc văn hóa và lối sống bền vững. Thương hiệu Kilomet109 của NTK Vũ Thảo cũng nhận được lời mời tham gia London Design Biennale vào tháng 9.2018
Mẫu thiết kế từ Kilomet 109 chế tác từ sợi lanh, nhuộm chàm, lụa tussah nhuộm mủ mặc nưa
Fashion4Freedom liên kết khách hàng với làng nghề
NTK Lan Vy cho biết: “Sản phẩm hiện tại của chúng tôi được xuất đi hơn 42 quốc gia trên thế giới. Đối tượng khách hàng chủ yếu là người nước ngoài và cũng có cả người Việt. Không phải người Việt chưa hiểu được giá trị của sản phẩm, mà chúng tôi dành thời gian để làm việc với các làng nghề, hơn là việc đầu tư truyền thông trong nước. Khách hàng nước ngoài biết đến thương hiệu phần lớn nhờ vào sức ảnh hưởng của đôi giày Rồng”
Những mẫu thiết kế rất đẹp và hiện đại sản xuất tại làng nghề dệt, hoa văn thổ cẩm, họa tiết dân gian Việt nam từ thương hiệu Fashion4Freedom
“Bằng cách giúp đỡ các nghệ nhân nông thôn trở thành doanh nhân, có khả năng tiếp cận vốn, kiến thức kinh doanh và kỹ năng thiết kế, chúng tôi không chỉ tạo ra một chuỗi cung ứng thay thế mà còn tạo ra một mô hình A non-governmental organization (NGO) > để chống lại lao động cưỡng bức. Ngay từ đầu, chúng tôi đã biết rằng những đồ trang trí làm bằng tay ở những làng nghề Việt nam có thể được làm đẹp, tinh xảo và chất lượng cao. Chúng tôi rất biết ơn khi được Giải thưởng Thiết kế Quốc tế công nhận Huy chương Vàng cho Thiết kế Giày năm 2017. Cảm ơn tất cả những người tin tưởng vào những gì chúng tôi làm và những nghệ nhân đã biến điều đó thành hiện thực.” chia sẻ từ Chị Lan Vy, nhà thiết kế Fashion4Freedom.
Giày Rồng – mẫu thiết kế từ Fashion4Freedom sử dụng chất liệu và cảm hứng từ làng nghề truyền thống. Đặc biệt đôi giày đế gỗ, mẫu thiết kế đương đại kết hợp phần đế do nghệ nhân khắc gỗ làng nghề Huế, đã đoạt giải thưởng IDA Design Awards Gold Winner 2017
Có lẽ giải pháp để nguyên vật liệu truyền thống có thể phát triển bền vững, ngoài sự sâu sát, quan tâm hơn của chính phủ, là những tổ chức như Hanoia cùng nhóm thiết kế, là những Nhà thiết kế như Minh Hạnh, Công Trí, Lan Vy từ Fashion4freedom, Kelly Bui, Võ Việt Chung, Trương Thanh Hải, Ngọc Anh, Thuỷ Nguyễn, Hà Linh Thư, Vũ Thảo, Quỳnh Nhi, HuyenGin… rất nhiều nhà thiết kế Việt nam cũng yêu mến chất liệu bản địa và đang tìm con đường cho mẫu thiết kế của mình, cũng như doanh nhân Rachel Nguyen, hay những chủ doanh nghiệp sẵn sàng thử nghiệm và cởi mở với những chất liệu này, như chị Mizuno Gia Cát, Chị Hồng từ (VINASME), chị Hươngcolor Fashionnet… rất nhiều nhóm đang nỗ lực, sáng tạo, hành động để chất liệu từ các địa phương của Việt Nam có được vị thế xứng đáng với tiềm năng của nó.
Cảm ơn chị Gia Cát từ Tokyo, chị Ngọc Anh Phạm, chị Hồng (VINASME) từ Hà Nội và Rachel Nguyễn từ Zurich Thụy sĩ, chị Lan Vy từ Saigon đã dành cho Fashionnet team những trao đổi hữu ích! Đây là bài viết đầu tiên trong loạt bài khám phá tiềm năng khổng lồ từ chất liệu truyền thống cũng như nét đẹp văn hóa Việt Nam. Những ý kiến thực tiễn từ ‘người thật việc thật’ hy vọng chia sẻ cách nhìn tổng thể, khách quan, và hữu ích nhất. Hãy cùng đón chờ những bài viết tiếp theo sẽ được đăng tải tại Fashionnet về chủ đề, với tính thực tiễn, tính kỷ luật của ngành thiết kế thời trang cùng câu chuyện văn hóa bản địa, đặt câu hỏi cho chúng ta về sự tồn tại, cách làm việc, vận hành sáng tạo, qua đó nhận thức về sự phát triển về thế giới và con người.
Chuyên đề: Made In Vietnam – Những thiết kế cao cấp từ văn hóa dân gian & chất liệu truyền thống Việt nam, đón đọc bài viết Ứng dụng thiết kế họa tiết hoa văn cổ Việt nam vào thiết kế hiện đại
Hướng dẫn thực hiện chuyên đề HuongColor – Bài viết: Phúc Hồ & Nhi Nguyễn. Bản quyền thuộc về Vietnamcolor.vn, vui lòng ghi rõ nguồn khi muốn sao chép.
——————————————————————————-
Pro Creative Course I Khóa học SÁNG TẠO, 6 buổi/tháng (cho mỗi môn học): Writing, Storytelling, Art, Design, Creativity. Học viết, thiết kế, tìm hiểu nghệ thuật, phương pháp tư duy, xây dựng giá trị cốt lõi của sáng tạo. Hotline: 0934068088 Email: Creative.proclass@gmail.com . Office: Công ty TNHH MTV Việt Thị . Address: 30, đường C18, phường 12, quận Tân Bình – HCM.
Pro Creative Course I “Trường đại học” 6 ngày với những buổi học và bài giảng sẽ tạo ra những gợn sóng xung đột trong tâm trí và trái tim bạn, làn sóng cảm hứng bất tận, giúp bạn tìm thấy những nguyên tắc dẫn lối tài năng của mình đến với cái đẹp và sự sáng tạo. Pro Creative Course sẽ như một cuốn sách hướng dẫn hành trình của bạn. Đây là lời mời hít thở bầu không khí đầy sức sống, cảm nhận ngọn lửa tận trái tim bạn và sự thăng hoa của tinh thần.