Dự án sách của Huongcolor
Vietthi Company Limited
Vietnam Colors Scheme
2020-2021 Hệ màu Việt Nam
vietnamcolor.vn
Sáng tạo chẳng có gì là nguyên bản

Sáng tạo chẳng có gì là nguyên bản

“Nghệ sĩ giỏi sao chép, nghệ sĩ lớn độc chiếm luôn” – Pablo Picasso. Nhà thiết kế thời trang Pháp Pierre Cardin đã phát biểu với The Hollywood Reporter: “Anh chàng Raf Simons thật có cá tính và tài năng vượt trội. Anh ta không bao giờ copy ai cả và điều này rất quan trọng, tôi thực sự thán phục anh ta”. Pierre Cardin quả là đáng kính, Raf Simons chắc chắn có tài; nhưng lời khen kia, từ một nhà thiết kế gạo cội dành cho cựu giám đốc sáng tạo của nhà Dior, không hẳn đáng giá hay xứng đáng.

Khi Picasso tóm tắt quá trình sáng tạo của các nghệ sĩ (có thể bao gồm các nhà thiết kế thời trang) trong một câu khá thẳng thừng như vậy, chắc ông có ý nhấn mạnh đến tính phi nguyên bản của những thành tựu trong thế giới mà chúng ta đang sống, rằng không có điều gì “là một, là riêng, là thứ nhất”*. Quá khứ, hiện tại và tương lai là những chuỗi tiếp nối hoặc đơn điệu hoặc đột biến; rằng sáng tạo dù có giá trị khai phá đến đâu vẫn có tính kế thừa, vẫn chịu ảnh hưởng của những thứ có sẵn, những kỷ niệm trong quá khứ, cảm xúc hiện tại và những vọng tưởng về tương lai.

Đúng vậy, con người, mà đặc biệt là các nghệ sĩ, luôn thẩm thấu những gì mình nhìn, thấy và trải nghiệm, để rồi vô tình hay cố ý chịu ảnh hưởng, trực tiếp hay gián tiếp, từ những trải nghiệm đó. Nếu trong thế giới này mọi thứ đều là nguyên bản, không ai copy ai cả – chim cứ việc bay cá cứ việc bơi – thì liệu chúng ta có máy bay, tàu hỏa, thuyền bè, rồi có sóng truyền thông và internet? Xa hơn nữa, chắc gì chúng ta có quần áo để mặc, giày dép để đi? Hẳn ai cũng nhớ câu chuyện trái táo rơi và Luật Hấp dẫn trong vũ trụ (Law of Universal Gravitation) của Ngài Isaac Newton. Luật Hấp dẫn trong vũ trụ – nền tảng của vật lý học cổ điển và cả vật lý học hiện đại với Thuyết Tương đối cùa Albert Einstein – đương nhiên là một phát kiến vĩ đại, song Ngài Newton đã không ngần ngại ghi công trái táo nhỏ bé khi kể câu chuyện kinh điển kia. Mấy trăm năm sau lại vẫn là trái táo đã trở thành cảm hứng cho một nhà phát minh ứng dụng là Steve Jobs, một trong những người đã làm được điều mà Ngài Newton thiên tài từng thổ lộ: “Tôi có thể nhìn xa hơn những người khác vì tôi biết đứng trên vai những người khổng lồ”. Trèo lên vai những người khổng lồ chính là bước đầu tiên của sáng tạo, tìm cảm hứng từ những thứ sẵn có trong tự nhiên hoặc đã được tạo ra từ những người đi trước.

Vạn vật không nguyên bản, cảm hứng cần nguyên bản

Như vậy việc đứng trên vai những người khổng lồ như Ngài Newton mô tả là một cách trải nghiệm tích cực, để mở rộng tầm nhìn và cảm xúc của bản thân bằng cách dựa vào những kiến thức, thành tựu sẵn có. Sao chép, bao gồm cả sao chép trong thời trang cũng là một cách đưa những trải nghiệm tích cực từ những thứ có sẵn vào tác phẩm mới, và “những người khổng lồ có sẵn” ấy được ghi công, hay nói cách khác, tác phẩm được trích nguồn. Tuy là những sản phẩm có tính sao chép, nhưng mỗi tác phẩm mới đều có thể có giá trị sáng tạo và đời sống độc lập nếu như được làm nên từ những cảm hứng riêng biệt của từng tác giả. Thế nên Picasso đã nói “nghệ sĩ giỏi sao chép”. Song đó là sao chép với cảm hứng cá nhân của từng nghệ sĩ, khác với kiểu sao chép giản đơn, vô cảm, làm ra những sản phẩm y chang hoặc xấu hơn mẫu, và không có thêm một giá trị độc lập nào.

Trong hàng triệu thiết kế được sản sinh ra mỗi mùa, có thể dễ dàng nhận thấy rất nhiều thiết kế na ná ở những chi tiết chủ đạo trong cả kiểu dáng, chất liệu và họa tiết. Khi có những trải nghiệm tích cực giống nhau, thì phần cảm hứng cá nhân của mỗi tác giả sẽ cho ra những sản phẩm tương tự nhưng không hoàn toàn giống nhau, tạo nên xu hướng mỗi mùa. Như vậy các hoạt động sao chép không những không làm thế giới thời trang xói mòn mà ngày càng trở nên phong phú. Các nhà thiết kế thời trang đã cho ra đời những trang phục lấy cảm hứng từ hội họa, âm nhạc, kiến trúc, văn học, điện ảnh, thậm chí từ những nhân vật và sự kiện lịch sử, và cả những bộ sưu tập thời trang nổi tiếng. Một trong những nhà thiết kế đã đóng góp cho thời trang những bộ sưu tập “cảm hứng” tuyệt vời lại vẫn là John Galliano, một giám đốc sáng tạo tai tiếng, mà rất tài năng.

Sáng tạo chẳng có gì là nguyên bản

John Galliano, giám đốc Sáng tạo Maison Margiela

Bộ sưu tập ông làm cho Christian Dior tháng 10 năm 2008 mang tên Blanche Dubois lấy cảm hứng từ nữ nhân vật chính cùng tên (do Vivien Leigh thủ vai) trong bộ phim A Streetcar Named Desire – Chuyến xe điện mang tên Dục vọng (1951) là một thành công vượt trội. Những bộ váy áo xa hoa mà cũ kỹ, “lòe loẹt” mà khả ái, kiêu sa mà khắc khoải, quí phái mà gợi tình ẩn hiện những mâu thuẫn giằng xé cực độ của con người trước sự cô đơn, dục vọng và cái chết đằng sau những câu chuyện trong phim đã được John Galliano tạo dựng và trình bày tài tình trên sàn diễn, ghi một dấu son vào lịch sử thời trang đương đại, và giúp ông giành giải thưởng thời trang 2008 của Hoàng gia Anh. Sức sáng tạo của John Galliano thật phong phú. Có thể thấy thiết kế của ông biểu cảm trên rất nhiều cung bậc, từ BST Napoleon và Josephine tháng 3/1992 – lấy cảm hứng từ mối tình vương giả sóng gió, hay BST tháng 10 /1993 lấy cảm hứng từ câu chuyện nàng công chúa Nga Lucretia, rồi những bộ trang phục theo kiểu cách tướng lĩnh hoàng gia, sĩ quan quân đội hay nhà du hành vũ trụ. Váy áo trong BST Blanche Dubois mô phỏng một cách sáng tạo các trang phục của người đàn bà thành thị mong manh và đang tàn úa dần, song nàng Blanchet cũa Galliano lại có vẻ rực rỡ bí ẩn và đài các hơn. Chính cảm hứng sáng tạo của nhà thiết kế, chứ không của ai khác, đã làm nên vẻ đẹp riêng của BST. Hình ảnh Blanchet Dubois không nguyên bản, nhưng cảm hứng sáng tạo của John Galliano là nguyên bản.

Sáng tạo chẳng có gì là nguyên bản

Những thiết kế mùa mới nhất của John Galliano cho nhà Maison Margiela vẫn nức lòng các biên tập viên, những nhà bình luận thời trang và các fashionista luôn theo dõi và ủng hộ ông 

Trong nhiều trường hợp rất khó phân biệt những sản phẩm thời trang là mô phỏng / sao chép (imitation / copy) có cảm hứng (inspiration) hay là những mô phỏng / sao chép đơn thuần không cảm hứng. Trên thực tế việc mô phỏng sao chép diễn ra hàng ngày, lấy cảm hứng từ những tác phẩm nghệ thuật đến những bộ sưu tập thời trang khác. Nhiều người coi tất cả các món thời trang mô phỏng sao chép là không có giá trị. Thực ra chỉ những trang phục mô phỏng sao chép không cảm hứng mới không có giá trị sáng tạo, có thể được gọi là hàng chợ, hàng nhái, hàng thấp cấp dù vẫn được bày bán trong các cửa tiệm. Chính vì khó phân biệt, nên khó có thể có các tiêu chuẩn xác định một mặt hàng có phải là hàng chính phẩm hay hàng copy. Ngoài thị trường đã thế, với các bộ sưu tập thời trang và các fashion show còn phức tạp hơn nhiều. Có một luật bất thành văn là nếu một bộ trang phục trình diễn giống tới 70-80% một bộ trang phục khác được trình diễn từ trước, và không có một chi tiết cơ bản nào là có giá trị độc lập, thì bộ trang phục đó là hàng copy đơn thuần. Trong trường hợp trang phục ứng dụng, chỉ cần 25% giống cũng được coi là hàng copy. Những trang phục có dấu ấn của cảm hứng sáng tạo, có những chi tiết riêng khác biệt thường cũng dễ nhận ra, song vì cảm hứng là một thứ không thể đo đếm, mọi điều đều tương đối không thể phân định chính xác.

Thật ra sự mô phỏng không cảm hứng hoặc “rất ít cảm hứng” không chỉ do những nhà thiết kế trẻ hay nhà mốt cấp thấp thực hiện. Ngay cả những nhà mốt lớn cũng vô tình hay cố ý copy nhau để làm một số sản phẩm đinh bán chạy. Cũng rất khó thưa kiện, vì các nhà mốt lớn đều đưa logo và các dấu hiệu nổi bật vào các sản phẩm mô phỏng, và thường chỉ đem bán chứ không trình diễn catwalk.

Còn một thước đo cuối cùng, là chính bản thân người nghệ sĩ. Chẳng ai biết mình bằng chính mình, nếu có cảm hứng thực sự và biết xây dựng ý tưởng thiết kế trên cảm hứng đó, thì coi như đã có thành tựu, và mẫu thiết kế mới không phải hàng copy. Song không chỉ cảm hứng là đủ, thành công của một thiết kế hay cả BST còn phụ thuộc và tài năng của từng nhà thiết kế trong việc lên ý tưởng và thực hiện ý tưởng trên các mẫu trang phục mới.

Sáng tạo chẳng có gì là nguyên bản

Galliano đã ra mắt bộ sưu tập “Artisanal”

Tháng Bảy rực rỡ

Tôi đến Paris khi tuần lễ thời trang Haute Couture tổ chức vào tháng Bảy hàng năm vừa kết thúc. Nắng hè châu Âu dường như dịu lại nhờ những BST Haute Couture Thu – Đông cho mùa sau. Một trong những BST được kể tới nhiều nhất là BST Haute Couture Thu – Đông 2015-2016 của nhà Dior, do Raf Simons xây dựng từ cảm hứng lấy từ bức tranh The Garden of Earthly Delights (Khu vườn lạc thú trần gian) của danh họa Hà Lan Hieronymus Bosch. Cựu giám đốc sáng tạo nhà Dior mô tả ý tưởng thể hiện hình ảnh trái táo cấm, dục vọng, sự tương phản giữa ngây thơ trong trắng và xấu xa ô trọc. Màu sắc của bức tranh và màu sắc của sân khấu catwalk ở Bảo tàng Rodin dường như có sự tương phản mạnh mẽ hơn chính BST. Raf Simons đã thử nghiệm những kiểu dáng Dior hiện đại, dựa trên những hoài niệm về quá khứ, với những đường cắt xuôn thoải mái và không đối xứng. Tuy nhiên màu sắc khá nhạt nhòa và chất liệu chưa ở mức đột phá, BST khôngc làm rõ nét sự tương phản lẽ ra rất mãnh liệt, ngồn ngộn cảm xúc từ những chi tiết nhỏ của bức tranh. Có thể nói BST chưa tạo được ấn tượng xứng đáng với tầm cỡ tác phẩm nguyên bản. Chiếc áo đầm phồng đen trắng lấy cảm hứng từ hình ảnh Grace Kelly trong phim The Rear Windows nhẹ và thanh thoát nhưng không có gì quá đặc sắc.

Sáng tạo chẳng có gì là nguyên bản

John Galliano đã ra mắt bộ sưu tập “Artisanal” do ông cùng là nhà biên tập bộ phim “A Folk Horror Tale” của đạo diễn Oliver Dahan.

Trong khi đó những BST Haute Couture của nhà Maison Margiela do John Galliano thực hiện rất thu hút và tạo ấn tượng mạnh, cũng dựa trên những tương phản tốt –xấu, thiện –ác, hợp – tan, nam – nữ. John Galliano được ví với chim phượng hoàng vừa được tái sinh, Mỗi trang phục trong BST đều mang nét tương phản chủ đạo với nhiều đường cắt, nếp gấp khá tối giản phóng khoáng mà vẫn lộng lẫy xa hoa. Cũng trong mùa này, BST Chanel Haute Couture được ông già Karl Lagerfeld “dệt” từ những giấc mơ màu hồng; còn Giấc mộng đêm hè của Shakespeare thì được nhà Dolce&Gabbana trình làng bên sóng Địa Trung Hải trong khuôn khổ BST Haute Couture Alta Moda sặc sỡ và năng động.

Những vòng nhẫn bông tai phụ kiện cho BST này là một thành công lớn, các cô gái lùng mua chúng khắp nơi. Vẫn là sự tương phản, vẫn là những giấc mơ thôi, nhưng mỗi BST một vẻ. Từ cảm hứng đến tác phẩm là những con đường độc lập sáng tạo muôn nẻo dành cho các nhà thiết kế.

Những cuộc chiếm đoạt ý tưởng hay đãi cát tìm vàng

Khi sự độc lập sáng tạo của người nghệ sĩ biến đổi hẳn một tác phẩm mô phỏng có cảm hứng thành một thứ hoàn toàn mới mang dấu ấn của người nghệ sĩ, và không còn bóng dáng gì của tác phẩm mẫu, thì người nghệ sĩ đã hoàn thành cuộc độc chiếm tác phẩm mẫu về tay mình. Khi ấy sáng tạo đã đạt đến đỉnh cao và như Picasso nói, “nghệ sĩ lớn độc chiếm”. Công cuộc này tương tự như đãi cát tìm vàng, mài đá thô thành những viên lấp lánh. Những tác phẩm dang dở, không tên tuổi hay bị lãng quên bỗng chốc nổi lên lộng lẫy lạ thường qua bàn tay, kỹ năng và khối óc tài hoa của những nghệ sĩ lớn. Ngay trong lĩnh vực âm nhạc, có rất nhiều bài hát “cover” có đời sống riêng nổi trội hơn hẳn bài hát nguyên bản.

Thông thường thì các nhà thiết kế trước hết phải trải qua ba bậc cùa công việc thiết kế để có cơ may thành nhà thiết kế lớn: (1) Bắt đầu từ việc copy người khác. Đi theo cái gọi là xu hướng, những tác phẩm copy của những nghệ sĩ mới vào nghề dễ được chấp nhận vì đạt được chuẩn mực nhất định. (2) Lấy cắp của chính mình – rà soát lại những tác phẩm cũ, những công việc cũ chưa hoàn thành để biến đổi chúng thành những cái mới hoàn toàn và có giá trị. (3) Lấy cắp từ những nguồn “bí mật”. “Bí mật của sáng tạo là phải dấu kín nguồn gốc tác phẩm” (A. Einstein). Những ý tưởng đã bị thất lạc, bỏ qua, quên lãng đều có thể được sử dụng và tạo hiệu quả bất ngờ. Việc này rất tốn công sức và thời gian, nhưng đây là chìa khóa để làm nên nghệ sĩ lớn. Các “nguồn bí mật” có thể là những tác phẩm không nổi tiếng, ở những vùng xa xôi.

Cảm hứng phương Đông cũng làm nên những cuộc độc chiếm. Từ nhiều thế kỷ trước, nhờ giao thương mà phương Tây tiếp cận với văn hóa Trung Hoa rồi Nhật Bản. Thiết kế thời trang cũng đưa ảnh hưởng phương đông vào màu sắc, chất liệu, thủ công và cả kiểu dáng. Đây là địa hạt khá lý tưởng cho những cuộc độc chiếm. Bộ dạ phục Oscar phỏng theo xường xám của Nicole Kidman do John Galliano thiết kế là một tác phẩm hoàn hảo. Gần đây sự trở lại của John Galliano ở nhà Maison Margiela đã đẩy trào lưu deconstruction của một số nhà thiết kế Nhật bản lên một tầm mới. Những điểm nhấn nhá phương đông như áo vét nhung cổ lãnh tụ, các mẫu thêu nổi, các miếng đắp thủ công vừa rất phương đông vừa rất Galliano. Trong khi đó BST Nam Xuân 2016 của nhà Louis Vuitton cũng có rất nhiều thủ công tinh xảo phương đông, những rồng những phượng, họa tiết thủy mạc, và màu sắc ánh vàng đồng, tuy nhiên lại chưa có một nét nào thật sự mang dấu ấn của Kim Jones. Karl Lagerfeld thì làm hẳn một show Chanel ở Seoul, và gọi đây là phiên bản Hàn quốc của những trang phục Chanel. Chữ phiên bản (version) có lẽ đúng vì BST này chỉ đủ gây ấn tượng thương mại, chưa có nét sáng tạo sắc sảo nào. Trước đây Marc Jacobs cũng có một BST cảm hứng phương đông cho nhà Louis Vuitton Xuân 2009 với màu sắc, chất liệu và một vài họa tiết nhấn nhá rất phương Đông và Louis Vuitton. Có lẽ Marc Jacobs khi đó chỉ thiêu thiếu một chút lửa sáng tạo để tạo ra những mẫu thực sự gắn với tên tuổi mình.

Gắn tên cho tác phẩm

Tuy mọi sự vật có thể không nguyên bản, nhưng khi một món thời trang đã được gắn tên nhà thiết kế, thì món thời trang ấy sẽ luôn được nhớ đến với cái tên ấy. Có khăn sọ người và giày móng lừa Alexander Mcqueen, có áo vét nhung và vải in báo Galliano, và có cả giày “cướp biển” của quí bà Vivienne Westwood. Quí bà Vivienne Westwood, người sáng lập trào lưu Punk đã mô phỏng giày của những tên cướp biển thời hậu Trung cổ để làm ra đôi giày gắn với tên tuổi bà. Chính tự do cá nhân, tinh thần của Punk đã đưa các nghệ sĩ lớn như Vivienne Westwood bay bổng tìm cảm hứng sáng tạo, tiếp tục gắn tên cho tác phẩm của mình.

Sáng tạo chẳng có gì là nguyên bản

Quí bà, nhà thiết kế Vivienne Westwood – Chính tự do cá nhân, tinh thần của Punk đã đưa các nghệ sĩ lớn như Vivienne Westwood bay bổng tìm cảm hứng sáng tạo. 

Từ mô phỏng – truyền cảm hứng – độc chiếm, các tác phẩm của những nghệ sĩ chân chính không bao giờ còn là những copy vô cảm và vô giá trị.

* Theo câu “Ta là một, là riêng, là thứ nhất” trong bài thơ Hy mã lạp sơn của Xuân Diệu

Bài viết: Lã Hoa, bản quyền thuộc Vietnamcolor.vn vui lòng ghi rõ nguồn khi muốn sao chép. 

——————————————————————————-

Pro Creative Class I Khóa học SÁNG TẠO, 6 buổi/tháng (cho mỗi môn học): Writing, Storytelling, Art, Design, Creativity. Học viết, thiết kế, tìm hiểu nghệ thuật, phương pháp tư duy, xây dựng giá trị cốt lõi của sáng tạo. Hotline: 0934068088 Email: Creative.proclass@gmail.com . Office: Công ty TNHH MTV Việt Thị . Address: 30, đường C18, phường 12, quận Tân Bình – HCM. 

Creative Class PRO I Trường đại học 6 ngày với những buổi học và bài giảng sẽ tạo ra những gợn sóng xung đột trong tâm trí và trái tim bạn, làn sóng cảm hứng bất tận, giúp bạn tìm thấy những nguyên tắc dẫn lối tài năng của mình đến với cái đẹp và sự sáng tạo. Pro Creative Class sẽ như một cuốn sách hướng dẫn hành trình của bạn. Đây là lời mời hít thở bầu không khí đầy sức sống, cảm nhận ngọn lửa tận trái tim bạn và sự thăng hoa của tinh thần.

Dự án sách của Huongcolor.
Vietthi Company Limited.
Vietnam Colors Scheme.
2020-2021 Hệ màu Việt Nam
SHARE