Nghề gốm sứ Việt Nam đã phát triển mạnh từ ngàn năm trước, và từng vang danh trong các triển lãm gốm thế giới vào cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20. Đồ gốm không chỉ được coi là một loại nghệ thuật dân gian, mà còn là sản phẩm giao thoa văn hoá truyền thống giữa nước Việt Nam, Chăm Pa và Trung Quốc.
“Biên Hòa có thể đã kế thừa và phát triển tính trang trí trên gốm hoa nâu thời nhà Trần. Qua các sản phẩm gốm Biên Hòa, có thể thấy rõ hai trường phái phối màu khác nhau theo hai dòng men nặng và trung lửa (men cao và trung độ). Men là yếu tố thể hiện rõ nét trình độ phát triển của nghệ thuật gốm sứ truyền thống. Trong các loại hình gốm: sản phẩm đất nung không phủ men, gốm sành nâu với màu men chủ yếu là da lươn và đen, đến gốm sành xốp thì đã có sự đa dạng về màu sắc của men. Tùy theo từng độ lửa mà người thợ có thể chế ra nhiều màu cho phù hợp với tính chất trang trí của từng sản phẩm. Men trên đồ gốm không chỉ là một bước tiến về mặt khoa học kỹ thuật mà còn góp phần tạo nên vẻ đẹp độc đáo của sản phẩm. Một đồ gốm khi được phủ men trên bề mặt và trong lòng sẽ có tác dụng như một lớp thủy tinh làm cho gốm không bị thẩm thấu, tăng độ bền cơ, bền hóa, bền điện và nhiệt*
Gốm Phong Sơn là một trong những nhà sản xuất gốm đất đen lâu đời nhất Biên Hoà với lịch sử hơn 200 năm và đã trải qua 5 thế hệ cha truyền con nối. Tại đây những người thợ vẫn giữ được kĩ thuật đốt lò và thủ công truyền thống, đặc biệt lò nung rất lớn, có chiều dài hơn 100m và có tuổi thọ đã được 200 năm, dù quá trình đô thị hóa, áp dụng kỹ thuật mới, lò ga đã được sử dụng rộng rãi nhưng nhà gốm Phong Sơn vẫn giữ được những giá trị truyền thống quí báu mà người sáng lập đã để lại cho con cháu.
Gốm sứ Việt Nam nói chung từ lâu đã nổi tiếng khắp thế giới vì vẻ đẹp giản dị, dịu dàng nhưng sang trọng và mang đậm nét tinh hoa châu Á. Riêng gốm Biên Hòa bề ngoài hấp dẫn, đằng sau còn là những câu chuyện thú vị. Những tác phẩm nghệ thuật hào nhoáng, những màu sắc độc đáo mà chỉ thổ nhưỡng địa phương và các nguyên liệu tại Việt Nam mới tạo ra được, và những kĩ năng làm gốm mà chỉ có các người thợ lành nghề nhất tại đây thực hiện được.
“Mỹ phẩm của Trường Mỹ nghệ Biên Hòa được các nhà ngoại giao quốc tế lưu ý và các mỹ thuật gia Âu Á ưa thích nhất là đồ gốm. Dù có màu sắc, nhưng vẫn giản dị đơn sơ, không lòe loẹt, trầm tĩnh, nhu mì, có vẻ đẹp kín đáo, dịu dàng, vĩnh viễn, thuần túy Á Đông, dung hòa kim cổ. Nhờ vậy mà khi đặt đồ gốm Biên Hòa vào trong phòng các tòa nhà, bất kì ở địa điểm nào, nó cũng vẫn đẹp một cách tinh tế và cuốn hút. Do đó mà khách Âu Mỹ càng ngày càng quý trọng các sản phẩm gốm rường Biên Hòa” _Nhà khảo cứu Lương Văn Lược trong cuốn Biên Hòa sử lược in năm 1960 nhận xét.
Giữa thế kỷ 19, những thương nhân và thợ gốm người Hoa đã đến Cù Lao Đại Phố Biên Hoà để buôn bán và lập nghiệp tại đây. Nhờ vào những lợi thế thiên nhiên từ sông Đồng Nai, các nghệ nhân làm gốm người Hoa đã có thể sử dụng nguyên liệu đất sét thô để làm ra những chiếc bình, lu, hũ gốm đất đen chuyên phục vụ cho sinh hoạt hằng ngày. Và từ đó, họ đã hình thành, xây dựng nên nghề gốm củi nung tại Đồng Nai.
Khi nhắc đến Gốm Biên Hòa thì không thể không nhắc đến Trường Mỹ nghệ Biên Hoà, nơi gắn bó với ông bà Balick, người đã khai sinh ra trường phái gốm mới tại Biên Hoà cho dân tộc Việt Nam. Ông Robert Balick và bà Mariette Brallion là hai giáo sư người Pháp được cử tới Việt Nam với vai trò là hiệu trưởng và chuyên viên gốm trường Mỹ nghệ Biên Hoà vào năm 1923.
Nhận thấy sự kết hợp áp dụng men của Pháp lên gốm phương Đông không được bắt mắt, bà Mariette đã lập riêng một nhóm nghiên cứu men với mục tiêu là tìm ra hệ thống men mới. Hệ thống men mới này được làm từ những nguyên liệu trong nước như đá trắng An Giang, vôi trắng, đá mâm, đá tổ ong,… và các khoáng vật thiên nhiên khác. Ngoài ra, Bà Mariette còn kết hợp thêm kim loại để tạo màu trong men như mạc đồng và bột nhôm.
Sau nhiều lần thử nghiệm, bà Mariette Balick cũng tìm ra loại men tro đặc trưng của Biên Hoà mà các thợ làm gốm thường gọi là men ta, có màu trắng ngà được làm từ đá trắng, đá đen và cát. Màu trắng ngà cổ điển, thanh tao, không quá bóng bẩy như gốm của Pháp hay Trung Quốc và chỉ có thể tạo ra ở Việt Nam. Cũng từ đó mà gốm Biên Hòa bắt đầu trở nên nổi tiếng khắp thế giới.
Đặc điểm nổi bật của gốm Biên Hoà thời Balick là chạm khắc chìm và kiểu phối màu men bách hoa (ngày xưa còn được gọi là gốm bá hoa). Trường Mỹ nghệ Biên Hoà còn có cả công thức phối men độc đáo của riêng trường mà các dòng gốm khác đều không có. Phối màu men bách hoa là một nghệ thuật phối màu đa sắc và độc đáo làm cho thị giác của người xem khi nhìn vào một điểm trên tác phẩm gốm sẽ không bao giờ thấy màu bị trùng lẫn. Cách pha màu men tưởng chừng dễ dàng nhưng lại không đơn giản như chúng ta nghĩ, vì màu của men khi chưa được nung thì thường có tông xám nhạt giống nhau, rất khó để phân biệt ra từng màu. Chỉ có người thợ gốm nhiều năm kinh nghiệm mới có thể nhìn thấy được sự khác biệt của các màu men.
Ngoài ra, Biên Hoà còn là quê hương của 2 màu men nổi tiếng khắp thế giới là màu xanh đồng trổ được làm từ đá tổ ong và màu đỏ đậm làm từ đá mâm. Hai màu men này mang phong cách cổ điển, không phô trương nhưng lại rất sang trọng nên rất được ưu ái bởi các nhà sưu tầm đồ gốm. Đây chính là hai màu giúp gốm Biên Hoà tách biệt hoàn toàn với gốm sứ Pháp và gốm dân dụng của Tân Vạn và Lái Thiêu từ các lò gốm của người Hoa.
Sau 27 năm gắn bó và tâm huyết với trường Mỹ nghệ Biên Hoà, ông bà Balick đã về hưu vào năm 1950. Chất lượng của gốm Biên Hoà từ đó cũng ngày càng giảm dần vì thiếu sự chỉ dẫn chuyên sâu và những nghiên cứu mới, cộng thêm sự cạnh tranh gay gắt với các vùng gốm khác. Các lò nung củi truyền thống hiện nay cũng bị thay thế bằng lò ga, vì mục đích hiện đại hoá và phát triển nhanh ngành công nghiệp sản xuất gốm tại Việt Nam. Điều này đồng nghĩa là làm mất đi những nét đẹp mà chỉ có những lò gốm cổ truyền mới tạo ra được. Tuy rằng lò ga có thể sản xuất ra số lượng lớn và rút ngắn được thời gian tạo thành phẩm, nhưng thực chất một số thành tố tạo hồn và làm nên vẻ đẹp cho sản phẩm gốm cần tới lò nung củi. Màu sắc của gốm khi làm bằng lò ga cũng không đạt được nét đẹp như xưa, không còn có ánh vàng và không còn làm ra được đồ gốm đất đen đặc thù của Biên Hoà. Tuy đáp ứng được nhu cầu thương mại và sản xuất công nghiệp, nhưng việc hiện đại hoá cũng làm mai một đi những lò gốm cổ truyền cùng với các sản phẩm đặc thù.
Những kiểu mẫu đồ gốm cũng thay đổi dần theo thời gian để đáp ứng nhu cầu mới của người tiêu dùng. Ngày nay, ít ai còn sử dụng sản phẩm như ấm đun nước trà như xưa, nên các thợ làm gốm phải chuyển sang sản xuất bình và lọ hoa để đáp ứng nhu cầu thị trường. Kể từ khi không được sử dụng lò nung củi, các sản phẩm từ gốm đất đen cũng bị ngưng sản xuất.
Quy trình làm gốm
Từ thế kỷ 19, các thợ làm gốm đã biết tận dụng những nguyện liệu tự nhiên như khoáng vật thạch anh, than bùn và nguồn nước thiên nhiên từ con sông Đồng Nai ở Biên Hoà. Họ trộn đều các nguyên liệu với nhau để tạo ra đất sét có tính chất dẻo, để các nghệ nhân làm gốm có thể nắn đất sét thành nhiều hình thù khác và kích cỡ nhau như bình và lu lọ.
Có nhiều cách để nặn đất sét như đổ khuôn để cho xương gốm có cùng kiểu dáng và kích thước giống nhau. Sau khi đổ đất sét vào khuôn, các thợ làm gốm sẽ “chạy miệng”, để đảm bảo thành đất sét trong khuôn có độ dày như nhau và vẫn dính liền khi khuôn được tháo ra. Cũng có những cách nén đất sét thủ công khác như là dùng chính hai đôi bàn tay của các nghệ nhân để đập và vỗ vào thành của đất sét theo một chiều, để tạo hình và làm cho thành sản phẩm mỏng đi. Đối với cách nén đất sét thủ công này thì khi thành càng mỏng, sản phẩm sẽ càng đẹp và bền lâu.
Cách làm gốm truyền thống yêu cầu có hai người thợ, một người dùng chân để đạp vào bàn xoay thay vì sử dụng điện, trong khi người còn lại sẽ nhào nặn cục đất sét thành những hình thù theo ý muốn. Quy trình làm đồ gốm không chỉ dừng tại đó. Những sản phẩm đất sét sau khi làm ra còn được phơi và sấy thêm vài ngày để giữ được cấu trúc của bình. Tiếp theo, người thợ sẽ chấm men lên bình để phối màu trước khi bỏ vào lò nung.
Các thợ làm gốm sau đó sẽ bỏ những bình, lu đất sét vào “bầu lửa” (miệng của lò nung) và đốt nóng 70 tấn gỗ tái chế từ cây cao su ở giữa thân của lò để tạo ra độ nóng cần thiết cho toàn bộ lò nung. Lửa củi làm cho đồ gốm bị hoả biến, cách ám lửa trên sản phẩm gốm sẽ ra tạo màu hoá chút vàng. Người thợ làm gốm có thể tự đo nhiệt độ nóng trong lò bằng mắt thường, và những sản phẩm gốm sau khi làm ra sẽ độc nhất vô nhị vì không có sản phẩm nào hoàn toàn giống nhau.
Lò nung của mỗi làng gốm sẽ có những nét đặc trưng mà không thể tìm thấy ở những nơi khác. Ví dụ như làng gốm Bát Tràng sẽ không có lò nung lớn và dài tới 100 m như của nhà Gốm Phong Sơn. Mỗi tuần, lò gốm có thể sản xuất ra được khoảng 50 tấn đồ gốm. Quá trình nung để tạo ra sản phẩm gốm thường kéo dài từ 4 đến 7 ngày. Tuy sau này nhà nước đã yêu cầu ngừng sử dụng lò củi để sản xuất, Gốm Phong Sơn vẫn giữ lại lò đốt hình ống truyền thống như một di sản lịch sử của làng gốm Việt Nam.
Khó khăn của làng gốm
Để trở thành những nghệ sĩ và thợ làm gốm chuyên nghiệp không phải dễ dàng, mà cần có sự đam mê mãnh liệt và năng khiếu thủ công, điêu khắc mới có thể theo nghề. Nên rất ít gia đình cho con cháu mình theo học ngành gốm, vì thực tế ngành này vừa khổ vừa khó so với những ngành khác. Thế nên, nghề làm gốm ở nước ta nói chung và văn hoá làm gốm cha truyền con nối ở Biên Hoà nói riêng đang có nguy cơ bị mai một trong tương lai. Chưa nói đến vấn đề trộm cắp cổ vật, bình gốm sứ tại các nhà thờ, nhà chùa cổ…. Các tác phẩm bị đánh cắp cho dù có được phục chế lại cũng không còn giá trị của thời gian.
“Rất nhiều gia đình làm gốm giờ cũng đã chuyển sang nghề khác. Một số gia đình làm gốm còn bám trụ lại thì vẫn chưa biết cách bán hàng hay thu hút khách hàng, nên họ vẫn phải chật vật hàng ngày.” Chị Nhi chia sẻ. Đó chính là lí do Gốm Studio ra đời. Ngoài việc buôn bán số lượng sỉ qua doanh nghiệp tư nhân Phong Sơn, chị Nhi đã ra mắt Gốm Studio, nơi khách hàng có thể đặt làm tác phẩm gốm số lượng lẻ theo yêu cầu thiết kế của mình. Qua nền tảng mạng xã hội, chị có thể mang gốm Phong Sơn đến công chúng một cách hiệu quả hơn, đồng thời là thu hút những người yêu gốm trên khắp thế giới.
Với tư duy nhanh nhẹn, sáng tạo, bắt kịp thời đại, Gốm Studio không chỉ tiếp cận đến người Việt trong nước Gốm Studio không chỉ đơn thuần là nơi bán đồ gốm, mà còn là cơ hội để chúng tôi có thể phục vụ cộng đồng mà đã thu hút được rất nhiều người yêu gốm từ Nhật Bản và các nước châu Âu đến chia sẻ niềm đam mê của mình. Vừa phát huy vừa kế thừa dòng gốm độc đáo từ cha ông và những nghệ nhân lâu đời, Chị Mai Ngọc Nhi rất tâm huyết tìm tòi lại các kỹ thuật phủ men trước đây, để làng gốm có thể trở lại thời kỳ thịnh vượng và cho ra đời những tác phẩm để đời.
*Giá trị nghệ thuật của gốm Biên Hòa thể hiện qua hai phương diện là tạo hình và trang trí sản phẩm. Bằng những đặc trưng và kỹ thuật sản xuất riêng, nghệ nhân Biên Hòa đã sản sinh ra được một dòng sản phẩm gốm có giá trị thẩm mỹ cao, được đón nhận và tôn vinh tại các cuộc triển lãm trong nước cũng như quốc tế. Một yếu tố đã góp phần làm nên sự nổi tiếng của gốm Biên Hòa chính là những sắc men màu. Với phong cách phân mảng màu sắc riêng biệt cùng với kỹ năng phối màu men mang tính sáng tạo, trên cơ sở những màu men truyền thống nổi tiếng, nghệ nhân gốm Biên Hòa đã nâng nghệ thuật trang trí gốm vươn tới cái đẹp của sự hoàn thiện”. (Tiến sĩ Trần Đình Quả – nguyên hiệu trưởng trường Mỹ thuật Đồng Nai).
Bài viết trong cuốn sách VietnamColor I Việt nam màu gì? – Thực hiện HuongColor, ghi chép Irina Phạm, Hồ Thiên Phúc, Ảnh: Vietnamcolor, Vũ Mạnh Cường cùng nguồn tư liệu gốm Biên Hoà.
Pro Creative Class I Khóa học SÁNG TẠO, 6 buổi/tháng (cho mỗi môn học): Writing, Storytelling, Art, Design, Creativity. Học viết, thiết kế, tìm hiểu nghệ thuật, phương pháp tư duy, xây dựng giá trị cốt lõi của sáng tạo. Hotline: 0934068088 Email: Creative.proclass@gmail.com . Office: Công ty TNHH MTV Việt Thị . Address: 30, đường C18, phường 12, quận Tân Bình – HCM.
Creative Class PRO I Trường đại học 6 ngày với những buổi học và bài giảng sẽ tạo ra những gợn sóng xung đột trong tâm trí và trái tim bạn, làn sóng cảm hứng bất tận, giúp bạn tìm thấy những nguyên tắc dẫn lối tài năng của mình đến với cái đẹp và sự sáng tạo. Pro Creative Class sẽ như một cuốn sách hướng dẫn hành trình của bạn. Đây là lời mời hít thở bầu không khí đầy sức sống, cảm nhận ngọn lửa tận trái tim bạn và sự thăng hoa của tinh thần.